Ngoài 16 cá nhân sở hữu 33% vốn, hai doanh nghiệp của đại gia Vũ Văn Tiền sở hữu hơn 17% cổ phần Ngân hàng An Bình.
Ngân hàng An Bình (ABBank) công bố danh sách gồm 19 cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ ngân hàng trở lên, gồm 16 cá nhân nắm hơn 33% vốn và 3 doanh nghiệp sở hữu hơn 33%.
Đại gia Vũ Văn Tiền, người vốn gắn liền với ABBank từ những ngày đầu và hiện là Phó chủ tịch nhà băng, không nằm trong danh sách sở hữu trên 1% vốn.
Danh sách chỉ công bố một số cá nhân họ Vũ nắm lượng lớn cổ phiếu. Trong đó, cá nhân sở hữu nhiều cổ phần ABBank nhất là bà Vũ Thị Hải Yến với hơn 43,8 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 4,2%. Ngoài ra, ông Vũ Văn Hậu, em ruột của ông Vũ Văn Tiền cũng đang nắm giữ 1,96%, đồng thời người có liên quan đến ông Hậu nắm giữ 15,45% cổ phần nhà băng.
Hai doanh nghiệp của đại gia Vũ Văn Tiền cũng đang sở hữu tổng cộng hơn 17% cổ phần nhà băng. Trong đó, Tập đoàn Geleximco nắm giữ 12,78%. Công ty cổ phần Glexhomes hoạt động trong lĩnh vực bất động sản giữ 4,42% vốn ABBank.
Glexhomes là thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Geleximco, chuyên quản lý và marketing các dự án bất động sản do Geleximco phát triển như Khu du lịch quốc tế đồi rồng, Hải An Center, An Bình Plaza, HTL Side Phú Yên... Chủ tịch Ngô Anh Trí và thành viên Hội đồng quản trị Glexhomes đều vốn là nhân sự tại Tập đoàn Geleximco.
Ngoài hai doanh nghiệp này, ABBank có một cổ đông lớn khác là Malayan Banking Berhad (Maybank), đang giữ gần 16,4% vốn nhà băng.
Ông Vũ Văn Tiền gắn liền với hình ảnh ABBank từ những ngày đầu phát triển, sau đó ông thôi làm chủ tịch nhà băng từ 2018, nhằm tuân theo yêu cầu pháp lý về việc lãnh đạo doanh nghiệp tránh kiêm nhiệm vị trí tại ngân hàng. Sau đó, em rể của ông Tiền là ông Đào Mạnh Khánh đảm nhiệm vị trí chủ tịch nhà băng cho tới nay.
Trước đây, các ngân hàng chỉ công khai thông tin của cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn hoặc thông tin của lãnh đạo cùng người có liên quan. Tuy nhiên, theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7, ngân hàng cũng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Đồng thời, danh sách người có liên quan cũng được mở rộng nhiều so với trước.
Luật mới cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Kể từ 1/7, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Quỳnh Trang
Đăng thảo luận