Với những người gần như cả đời làm nghề kinh doanh thịt chó ở Hàn Quốc, giờ đây việc đổi sang nghề mới không phải chuyện dễ dàng. Điều này phần nào cho thấy các thách thức không nhỏ khi Hàn Quốc quyết tâm cấm vĩnh viễn “cầy tơ bảy món”.

Hàn Quốc cấm thịt chó: Còn nhiều thách thức  第1张

Những con chó bị nhốt trong lồng tại một nhà hàng thịt chó ở chợ Moran, TP Seongnam, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) - Ảnh: Korea Times

Luật cấm nuôi chó để giết mổ thịt cũng như phân phối và bán thịt chó ở Hàn Quốc đã nhận được sự hoan nghênh của các nhóm bảo vệ động vật. Tuy nhiên trước khi luật chính thức có hiệu lực vào năm 2027, Hàn Quốc còn đối mặt nhiều thách thức, theo báo Korea Times.

Hỗ trợ tài chính

Vừa qua Bộ Nông nghiệp - Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc đã công bố kế hoạch bồi thường cho người nuôi chó lấy thịt để giúp họ di dời gần 500.000 con chó và đóng cửa sớm các trang trại nuôi chó. 

Theo kế hoạch này, chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính cho các chủ trang trại dựa vào thời điểm đóng cửa của họ, với mức bồi thường từ 225.000 - 600.000 won (170 - 450 USD) cho mỗi con chó nếu họ đồng ý ngừng hoạt động trước khi lệnh cấm có hiệu lực vào năm 2027.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Thực phẩm và Nông thôn Park Beom-su cho biết chính phủ đã tạm thời phân bổ khoảng 100 tỉ won (75,2 triệu USD) để giúp 5.898 trang trại nuôi chó, lò mổ, nhà hàng, công ty phân phối và các cơ sở khác đóng cửa. 

Theo kế hoạch, sau khi các trang trại đóng cửa, những con chó tại đây sẽ được giao cho các trại cứu hộ động vật địa phương quản lý. Nếu những nơi đó không đủ chỗ chứa, số chó còn lại sẽ tạm thời ở lại các trang trại dưới sự giám sát của chính phủ.

Tuy nhiên những người có liên quan trong ngành kinh doanh thịt chó ở Hàn Quốc tỏ ra hoài nghi. Họ bày tỏ lo ngại về sinh kế của mình và những thách thức thực tế trong việc quản lý hàng trăm ngàn con chó khi việc kinh doanh chấm dứt.

Ông Son Won-ha (63 tuổi), chủ một trại nuôi chó ở Yeoju (tỉnh Gyeonggi), bày tỏ sự thất vọng với kế hoạch cấm thịt chó của chính phủ. "Đóng cửa các trang trại nuôi chó để được chính phủ bồi thường sao? 

Điều đó gần như là không thể" - ông Son, người đã điều hành trang trại của mình trong 20 năm, chia sẻ. Ông chỉ trích kế hoạch này vì không xem xét đến những thách thức thực tế. 

Ông Son giải thích: "Mất 2 - 3 năm để đóng cửa hoặc đổi sang ngành khác, nhưng tôi sẽ phải sống mà không có thu nhập trong ít nhất 5 năm. Khoản bồi thường mà chính phủ đưa ra còn lâu mới đủ".

Những người bán thịt chó cũng bi quan tương tự. Ông Bae Hyeon-dong (77 tuổi), đã 58 năm bán thịt chó, bày tỏ lo ngại về việc tìm kiếm công việc mới. "Tôi đã làm việc này cả đời rồi. Không dễ đổi nghề, đặc biệt ở độ tuổi này", ông Bae nói.

Cần kế hoạch khả thi

Tháng 1 năm nay, Đảng Quyền lực quốc dân cầm quyền và Đảng Dân chủ đối lập chính của Hàn Quốc đã cùng nhau thúc đẩy dự luật nhằm chấm dứt việc bán và ăn thịt chó. 

Đây là dự luật mang tính bước ngoặt tại Hàn Quốc, được thông qua trong bối cảnh nhận thức về quyền động vật và số lượng người nuôi chó làm thú cưng ngày càng tăng.

Luật mới sẽ có hiệu lực đầy đủ vào tháng 2-2027. Sau thời điểm đó, những người vi phạm sẽ đối mặt với mức án tù lên tới 3 năm hoặc khoản tiền phạt 30 triệu won (21.800 USD), trong khi những người nuôi chó để lấy thịt hoặc bán thịt chó có thể bị phạt tới 2 năm tù hoặc bị phạt 20 triệu won.

Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ động vật và những người có liên quan trong ngành kinh doanh thịt chó ở Hàn Quốc vẫn còn "chia rẽ" về việc đóng cửa ngành này. 

Người kinh doanh tiếp tục phản đối, còn các nhà hoạt động muốn tăng tốc triển khai luật với lý do việc tiêu thụ thịt chó đã là bất hợp pháp theo Đạo luật Vệ sinh thực phẩm.

Một mối quan tâm lớn là số phận của những con chó bị bỏ lại sau khi các cơ sở kinh doanh đóng cửa. Các trại cứu hộ trên khắp Hàn Quốc chỉ có thể tiếp nhận khoảng 20.000 con chó, trong khi hiện tại có khoảng 466.000 con đang được nuôi tại các trang trại. Việc thiếu nhân viên giám sát đầy đủ càng làm phức tạp thêm vấn đề quản lý những con vật này.

Các chuyên gia nhấn mạnh cần có các kế hoạch thực tế và khả thi nhằm đảm bảo phúc lợi cho những con vật này. 

Bà Jo Hee-kyung, người đứng đầu Hiệp hội Phúc lợi động vật Hàn Quốc, cảnh báo nếu không có các biện pháp thực tế, những con chó này có thể phải đối mặt với điều kiện rất tồi tệ.

"Những người chủ trang trại đang bị kẹt trong một tình huống khó khăn. Chính phủ cần đưa ra kế hoạch thoát hiểm chi tiết hơn cho họ", giáo sư Bae Soo-ho tại Đại học Sungkyunkwan đề xuất.

Phát triển bộ kit phát hiện thịt chó

Theo báo Korea JoongAng Daily, Viện Y tế và Môi trường của chính quyền thủ đô Seoul gần đây đã phát triển một bộ kit mới có thể phát hiện thịt chó bị các trang trại nuôi chó và nhà hàng "ngụy trang" và bán gian dối dưới dạng thịt bò hay thịt heo.

Hồi tháng 8, viện này đã tạo ra bộ kit phát hiện thịt chó bằng phương pháp PCR theo thời gian thực, trở thành sáng kiến đầu tiên như vậy của chính quyền địa phương ở Hàn Quốc.