YênBái - Người trồng chè Hán Đà đã chủ động chuyển đổi, đầu tư cải tạo và thâm canh các diện tích chè bằng giống mới, quy trình kỹ thuật mới gắn với xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, góp phần tạo vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.

Góp phần nâng cao chất lượng chè xanh Hán Đà  第1张 Ông Trần Tường - Giám đốc HTX Cựu Chiến binh xã Hán Đà hướng dẫn người dân các thu hái chè theo đúng tiêu chuẩn.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ, từ hàng chục năm qua, ngoài cây lúa, cây ăn quả, người dân xã Hán Đà, huyện Yên Bình đã gắn bó với cây chè nhưng chưa có sự bứt phá mạnh mẽ. Cho đến những năm gần đây, cây chè mới thực sự được chú ý đến chất lượng, năng suất do nhu cầu đòi hỏi cạnh tranh trên thị trường. Người dân đã dần thay đổi tư duy, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và thay đổi giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao hơn. Những đồi chè giống LDP1, LDP2 sinh trưởng nhanh, được chăm bón thường xuyên nên cây khỏe khoắn, búp chè mọc đều đặn, xanh mướt. Người trồng chè ở Hán Đá giờ thích tham gia vào hợp tác xã (HTX) không chỉ để cùng nhau sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, để học hỏi thêm được nhiều kỹ thuật trồng, chế biến chè theo xu thế mà quan trọng là cùng đồng lòng giữ gìn thương hiệu, chất lượng và giữ một nghề vốn đã gắn bó nhiều năm. 

>> Những người lính già xây dựng thương hiệu "Chè xanh Hán Đà”


Ông Trần Tường - Giám đốc HTX Cựu chiến binh xã Hán Đà cho biết: Trước kia, nhiều giống chè trồng lâu năm đã xuống cấp, đất thoái hóa người dân lại không biết cách cải tạo đất, không áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất dẫn đến nhiều hệ lụy cho cây chè ở địa phương. Với quyết tâm gắn bó với nghề, vài năm trở lại đây, nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự đồng lòng, tâm huyết, người trồng chè Hán Đà đã tập trung cải tạo giống chè cũ bằng các giống chè mới LDP1, LDP2, trồng theo mô hình chè VietGAP và chè hữu cơ. 
Ông Tường chia sẻ: "Quy trình tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đã được mọi người thực hiện nghiêm ngặt từ việc trồng, chăm sóc, thu hái. Ví dụ như, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm thời gian cách ly mới được thu hái…, tất cả đều được ghi vào sổ theo dõi, được ghi ngày, giờ phun thuốc tại chính mảnh đồi để tiện theo dõi”. 
Đối với quá trình thu hái và chế biến, ông Tường chia sẻ: "Vụ chè ở Hán Đà bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 10. Đây là thời điểm cây chè cho búp khỏe, đều, chất lượng chè tốt nhất. Đối với chè xanh, người dân thu hái bằng tay từ buổi sáng thì đến buổi trưa sẽ được đem đi tập kết, bố trí sao, sấy ngay. Được như vậy, sản phẩm mới đảm bảo yêu cầu chất lượng sản phẩm OCOP, xuất bán ra nhiều thị trường lớn”. 
Năm 2021, sản phẩm chè xanh xã Hán Đà được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao đã nâng cao giá trị cây chè, tạo cơ hội cho nhiều hộ gia đình trong xã tham gia vào chuỗi sản xuất, tạo nguồn thu nhập, cải thiện đời sống. Để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm OCOP chè xanh Hán Đà, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, Hợp tác xã Cựu chiến binh Hán Đà đã chú trọng từ việc xây dựng thương hiệu, mã QR code, cấp nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý…; đảm bảo theo quy định các yếu tố về chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm. 
Bà Nguyễn Thị Nụ, một người trồng chè ở thôn Hán Đà 2 chia sẻ: "Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ giúp người trồng chè dễ tiêu thụ nguyên liệu hơn. Nhiều người đến mua nguyên liệu, sản phẩm của gia đình hơn trước vì họ tin tưởng vào "thương hiệu" OCOP". 
Đối với những người tham gia vào HTX trồng, chế biến, sản xuất chè ở địa phương như chị Trần Huyền Trang ở thôn Tiên Phong thì: "Từ khi tham gia vào HTX, tôi đã cùng với các thành viên sản xuất chè, hằng ngày hái chè, sao chè, đóng gói chè và cũng đã được tham gia các chuyến tham quan, học hỏi do Liên minh HTX tỉnh Yên Bái tổ chức ở các tỉnh: Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng. Qua đó, chúng tôi có cơ hội giới thiệu về sản phẩm chè xanh OCOP của Hán Đà và được đánh giá là thương hiệu chè sạch”.
Chè xanh Hán Đà được khách hàng yêu thích bởi màu sắc tự nhiên từ những búp chè tươi non, có hương thơm, vị chát nhẹ và ngọt nhẹ sau khi thưởng thức. Sản phẩm OCOP 3 sao chè xanh Hán Đà đã có chỗ đứng trên thị trường. Với lợi ích mà chương trình OCOP mang lại, chủ thể sản xuất đã chuẩn bị các điều kiện để được tái chứng nhận sản phẩm OCOP khi thời gian cấp Chứng nhận OCOP 3 sao đã sắp hết, duy trì sản xuất sản phẩm chè theo hướng hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP  đồng thời có những định hướng, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng chè trong thời gian tới.
Ông Trần Tường khẳng định: "Bên cạnh việc thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ đã được tất cả thành viên và nhiều người trồng chè trong xã nắm bắt, thống nhất thực hiện, HTX còn quan tâm đến việc hoàn chỉnh hồ sơ gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình, đề nghị Chi cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Quản lý chất lượng của tỉnh cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã chè và tiến hành kiểm tra, thẩm định lại vì Chứng nhận OCOP 3 sao của xã sẽ hết hạn trong tháng 11 này ”.
Xã Hán Đà có 190 ha chè. Sản lượng chè 9 tháng năm 2024 ước đạt trên 2 nghìn tấn (đạt khoảng gần 90% kế hoạch). Sản phẩm OCOP chè xanh Hán Đà là minh chứng cho sự nỗ lực của người dân trong việc phát triển nông sản sạch, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Để có sản phẩm OCOP chè xanh chất lượng cao, mở rộng đi sâu vào thị trường đòi hỏi có sự nỗ lực chung sức, gắn kết đồng lòng của người dân, chủ thể sản xuất và cả chính quyền địa phương. 
Ông Tăng Thành Công – Bí thư Đảng ủy xã Hán Đà khẳng định: "Để tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè Hán Đà, thời gian tới, xã tiếp tục đề xuất với huyện phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học nghiên cứu đầu tư để sản xuất chè chất lượng cao, Ví dụ, sản phẩm chè nguyên tôm đã được xã thí điểm thực hiện cho hiệu quả cao. 
Cùng đó, xã cũng tích cực hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức, ý thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây chè; tích cực vận động nhân dân chuyển đổi diện tích chè già cỗi, kém hiệu quả sang trồng giống chè mới, năng suất, hiệu quả cao gắn với đảm bảo quy tình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ góp phần phát triển vùng nguyên liệu, phát triển nghề trồng, chế biến chè một cách bền vững”. 
Hoài Văn

Tags Chè Hán Đà Yên Bình OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực