Giữ nghề truyền thống, có ngày người đàn ông thu 200 triệu đồng

(Dân trí) - Những ngày cao điểm, cơ sở chế tác đầu lân truyền thống của anh Trương Như Rem thu về 150-200 triệu đồng nhờ cách thiết kế khác lạ.

Cận tết Trung thu, chúng tôi có dịp ghé thăm cơ sở chế tác đầu lân Bảo Anh của anh Trương Như Rem (trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Nằm trong một hẻm nhỏ của đoạn phố chuyên bán các mặt hàng phục vụ Trung thu, đây là cơ sở có tiếng ở Huế và sản phẩm xuất đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí ra nước ngoài. Anh Rem là thế hệ thứ ba trong gia đình duy trì nghề làm đầu lân truyền thống xứ Huế.

Giữ nghề truyền thống, có ngày người đàn ông thu 200 triệu đồng  第1张

Anh Trương Như Rem tất bật với công việc dịp cận tết Trung thu (Ảnh: Vi Thảo).

Khi chúng tôi đến, anh Rem mình mẩy mồ hôi nhễ nhại, cặm cụi với công việc bên cái đầu lân khá lớn. Chủ cơ sở Bảo Anh cho biết dịp tết Trung thu, số lượng đơn đặt hàng lớn nên anh phải làm luôn tay mới kịp giao cho khách.

Theo anh Rem, nếu chỉ một người làm, mỗi cái đầu lân cỡ trung đến lớn sẽ mất 5-7 ngày mới hoàn thành. Tuy nhiên hiện nay nhiều công đoạn dễ được anh chia nhỏ ra, thuê thêm người làm cho đỡ vất vả, tăng năng suất lao động, tạo thêm việc làm cho nhiều người.

Mỗi năm, cơ sở của anh Rem cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 sản phẩm phục vụ Trung thu, gồm đầu lân và các loại phụ kiện như trống, mặt nạ, quạt,... Để có đủ sản phẩm cung ứng cho khách hàng, sau dịp tết Nguyên đán, anh Rem phải bắt tay vào làm việc.

Đầu lân của cơ sở Bảo Anh có hai kiểu cơ bản, gồm đầu đúc khuôn và đầu khung sườn từ tre, lồ ô, trong đó kiểu khung sườn đòi hỏi nhiều kỹ năng chế tác hơn nên giá thành sản phẩm cao, sử dụng được nhiều mùa Trung thu hơn.

Giữ nghề truyền thống, có ngày người đàn ông thu 200 triệu đồng  第2张

Những hẻm phố rực rỡ màu sắc Trung thu ở đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế (Ảnh: Vi Thảo).

Anh Trương Như Rem cho biết cơ sở của anh thường xuyên đón tiếp khách ngoại tỉnh đến mua hàng trực tiếp.

"Tôi có một vị khách nước ngoài, năm nào ông đến Việt Nam, tới Huế, kiểu gì cũng ghé cửa hàng mua sản phẩm mang về trưng bày. Mặt hàng ông ấy chọn là những đầu lân có giá trị cao. Mới đây, ông ấy mua đầu "ngũ tổ" có giá hơn 10 triệu đồng", anh Rem chia sẻ.

Cũng theo anh Rem, sản phẩm của anh không chỉ bán ở trong nước mà còn được bà con Việt Kiều ở Mỹ, Úc, đặt hàng để chơi Trung thu. Những ngày cao điểm, cơ sở này thu về 150-200 triệu đồng nhờ bán đầu lân truyền thống.

Giữ nghề truyền thống, có ngày người đàn ông thu 200 triệu đồng  第3张

Đầu lân "ngũ tổ" có giá trị hơn 10 triệu đồng tại cơ sở chế tác Bảo Anh (Ảnh: Vi Thảo).

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, nghề làm đầu lân ở Huế đã có từ lâu đời, là nghề "cha truyền con nối" và được nhiều gia đình gìn giữ, duy trì. Công việc làm đầu lân ở Huế diễn ra quanh năm, nhưng cao điểm nhất là vào dịp tết Trung thu. 

Sản phẩm bán ra thị trường đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá dao động từ vài chục nghìn đến hàng chục triệu đồng tùy loại, đem lại nguồn thu nhất định cho người dân.

Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành nghề thủ công truyền thống khác, nghề làm đầu lân Huế ngày càng mai một dần. Số lượng gia đình chuyên làm nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhất là sau 2 năm đại dịch Covid-19, hàng hóa tồn kho khiến nhiều người lỗ vốn nặng.

Những năm trở lại đây, nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa, bảo tồn, khôi phục nghề truyền thống, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chính sách hỗ trợ; đồng thời tổ chức các sự kiện liên quan, như: ngày hội lân Huế, lễ hội quảng diễn lân sư rồng, đưa múa lân sư rồng vào phục vụ tại các điểm tham quan du lịch, các sự kiện văn hóa, xã hội của địa phương.