Giá cước vận tải biển từ Việt Nam đi châu Âu và Mỹ đang trên đà giảm mạnh trong tháng 10-2024, bất chấp sự gián đoạn do cuộc đình công tại các cảng biển lớn ở Mỹ.

Giá cước vận tải biển đi Mỹ giảm mạnh, vì sao?  第1张

Giá cước tàu biển từ Việt Nam đi Mỹ giảm, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm bớt gánh nặng chi phí - Ảnh: CÔNG TRUNG

Giá cước đi Mỹ giảm sâu, giảm bớt áp lực chi phí

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 6-10, nhiều doanh nghiệp vận tải biển và logistics xác nhận giá cước vận tải biển từ Việt Nam đi Mỹ đang trong xu hướng giảm mạnh.

Điều này cũng được phản ánh trong dữ liệu giá cước của trang Drewry, trung tâm nghiên cứu hàng hải độc lập. Giá cước vận tải biển từ châu Á đi châu Mỹ và châu Âu tiếp tục giảm mạnh đánh dấu mức giảm 5% chỉ trong một tuần tính đến ngày 3-10, và giảm 43% so với mức giá hồi tháng 7.

Cũng theo dữ liệu trang Drewry, hiện tại, giá cước chỉ bằng 34% so với thời điểm đỉnh cao của đại dịch vào tháng 9-2021. Giá cước vận tải từ Việt Nam đi Mỹ chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

  • Cước vận tải biển giảm mạnh

  • Cước vận tải biển 'hạ nhiệt', doanh nghiệp vẫn đầu tư mua thêm tàu

Các doanh nghiệp cho biết nguyên nhân giá cước giảm do có ảnh hưởng nhất định từ cuộc đình công của Hiệp hội Nhân viên bốc xếp quốc tế (ILA) tại Mỹ.

Cuộc đình công bắt đầu từ ngày 1-10, sau khi các cuộc đàm phán giữa ILA và Liên minh Hàng hải Mỹ (USMX), tổ chức đại diện cho các công ty vận tải biển và vận hành cảng, rơi vào bế tắc.

Khoảng 45.000 công nhân đã tham gia đình công, làm tê liệt 36 cảng lớn từ Maine đến Texas. Đến ngày 4-10, công nhân cảng tại Mỹ đã tạm dừng đình công sau khi các bên đạt thỏa thuận sơ bộ về lương và gia hạn hợp đồng. Công nhân tại các cảng ở Canada cũng đã bắt đầu ngồi lại đàm phán.

Dù tình hình tại các cảng bờ Đông và bờ Vịnh Hoa Kỳ vẫn còn nhiều phức tạp, giá cước giảm đã giúp giảm bớt áp lực chi phí cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong giai đoạn có nhiều biến động.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải, cho hay cuộc đình công đang diễn ra, thị trường vận tải biển từ Việt Nam đi Mỹ vẫn chưa chịu tác động tăng giá. Cơ quan này khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát sao biến động giá cước và tình hình thị trường vận tải tại Việt Nam cũng như thế giới để đưa ra các chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong giai đoạn khó khăn.

Hãng tàu giảm tính phí lưu container và phí lưu bãi

Theo dữ liệu từ sàn giao dịch logistics quốc tế Phaata của CEO Nguyễn Hoài Chung, nhiều trung tâm container lớn đã chủ động mở rộng giờ hoạt động, bao gồm cả cuối tuần, để tránh nguy cơ gián đoạn tiềm ẩn.

Đối phó với tình trạng tắc nghẽn và nguy cơ container bị kẹt tại cảng, Ủy ban Hàng hải liên bang Mỹ (FMC) đã ra thông báo cảnh báo các hãng tàu không được áp dụng các loại phí không hợp lý trong thời gian này.

Đáng chú ý, một số hãng tàu đã quyết định ngừng tính phí lưu container và phí lưu bãi để giảm gánh nặng cho chủ hàng trong thời gian đình công.

Dù vậy, hoạt động vận tải tại các cảng bờ Đông và bờ Vịnh Hoa Kỳ vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nhờ những bài học từ đại dịch, các cảng bờ Tây đã có sự chuẩn bị tốt hơn, với việc tăng cường sức chứa kho, quản lý rơ moóc và các bãi container ngoài cảng để đảm bảo xử lý lượng hàng hóa tăng đột ngột mà không gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.