Sau thời gian tăng giá mạnh, thậm chí lên đến hơn 85.000 đồng/kg, giá cau tươi ở Quảng Ngãi đang hạ nhiệt và giảm nhanh. Hiện cau tươi đang có giá khoảng hơn 60.000 đồng/kg nhưng nhiều chủ vựa thu mua khá dè chừng, thậm chí có nơi tạm dừng thu mua.
Nguyên nhân của tình trạng này là do phía Trung Quốc bất ngờ hạn chế nhập cau khiến các thương lái cũng giảm sức mua để dò giá.
Giá cau giảm nhanh, các đầu mối cũng dè chừng việc thu mua để sấy khô.Anh Trương Văn Phượng - một người chuyên thu mua cau cho biết, cau chỉ bán được cho các đầu nậu để xuất khẩu qua Trung Quốc. Mấy tháng qua thì thu mua rầm rập, giá lên từng giờ, có thời điểm 1 tạ cau ngang giá một chỉ vàng. Thế nhưng, mấy ngày nay giá giảm dần, từ 10.000-20.000 đồng/kg.
“Hiện nay, giá cau chỉ còn khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đáng lo là hiện người ta không đến thu mua nhiều như trước nữa.” - anh Phượng cho biết.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, hai huyện là Sơn Tây và Nghĩa Hành là vùng trồng cau lớn nhất tỉnh với khoảng 2.200 ha. Mấy tháng qua, giá cau liên tục tăng. Đầu vụ giá cau được thu mua với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Có thời điểm cao nhất lên hơn 85.000 đồng/kg.
Nhờ vậy, các gia đình trồng cau năm nay thu nhập cao, thậm chí có hộ thu về cả tỷ đồng. Không chỉ vậy, các điểm thu mua, chế biến cau cũng hoạt động hết công suất.
Tuy nhiên, khoảng 4, 5 ngày qua, tình hình thu mua cau bắt đầu chững lại. Giá cau cũng giảm dần và thương lái cũng dè chừng, không dám thu mua vì sợ không bán được hoặc thua lỗ.
Các chủ vựa cũng đang hạn chế thu mua cau, sợ giá tiếp tục lao dốc.Những năm gần đây, diện tích trồng cau ở huyện Nghĩa Hành tăng khá nhanh, bởi vừa dễ trồng, vừa ít công chăm bón. Theo thống kê, diện tích trồng cau ở huyện tăng 4% so với năm 2023. Từ đầu vụ cau 2024, giá cau luôn ở mức cao khiến nhiều nông dân tiếp tục đầu tư trồng thêm loại cây này.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng, cây cau không phải là cây trồng chủ lực. Nhiều năm qua địa phương cũng không khuyến khích người dân trồng cau. Toàn huyện Nghĩa Hành có khoảng 800 - 900 ha cau.
Sau Sơn Tây, huyện Nghĩa Hành là địa phương là nơi có diện tích cau khá lớn.Nhiều năm qua, địa phương tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cau nhưng không giải quyết được. Vì vậy, điệp khúc cứ năm nào được giá là bà con ồ ạt trồng cau, sau vài vụ không bán được thì lại chặt bỏ.
“Cây cau ở huyện Nghĩa Hành đầu ra không ổn định. Người ta mua chỉ qua thương lái bên Trung Quốc. Nếu họ không mua thì dân lại chặt phá. Do vậy huyện không khuyến khích trồng cây và trong quá trình cơ cấu ngành nông nghiệp cũng không đưa cây cau vào quy hoạch để trồng.” - ông Bàng nói.
Trong khi đó, tại huyện Sơn Tây, rất nhiều lần cau rớt giá thê thảm, nhưng so với nhiều loại cây trồng khác, cây cau vẫn đem lại hiệu quả kinh tế hơn. Từ năm 2018, huyện Sơn Tây đã đưa cây cau vào nhóm cây trồng chủ lực của huyện để góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng dự án hình thành vùng chuyên canh cây cau. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành vùng chuyên canh cây cau tập trung khoảng 2.000 ha trên địa bàn 9 xã, nhiều nhất là các xã Sơn Dung, Sơn Long, Sơn Mùa...
Quả cau từng không ít lần rớt giá thảm vì Trung Quốc ngừng thu mua.Để triển khai dự án, chính quyền địa phương đã cấp cau giống và phân bón thích hợp tùy vào nhu cầu của các hộ gia đình. Đến nay, huyện miền núi này có khoảng 600 hộ trồng từ 1.000 cây cau trở lên.
Mỗi năm, huyện trồng mới khoảng 166 ha cau, thay thế cho diện tích cây trồng già cỗi, năng suất thấp. Biện pháp canh tác này giúp đồng bào Ca Dong giữ vườn cây trồng hộ gia đình, ổn định thu nhập và tăng năng suất vườn cau và vùng chuyên canh cho miền núi.
Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh, năm được năm mất nên huyện Sơn Tây cũng không khuyến khích trồng cau ồ ạt, thay vào đó nên trồng thêm các giống cây dưới tán cây cau để cân đối cây trồng và có nguồn thu trong những thời điểm cau rớt giá.
Đăng thảo luận