Trong giai đoạn 2 của vụ án "chuyến bay giải cứu", bị can Vũ Hồng Quang (nguyên Phó Phòng vận tải Hàng không, Cục hàng không Việt Nam, Bộ GTVT) được ghi nhận là người đã nộp khắc phục nhiều nhất với số tiền 8 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 vụ án  第1张 Bị can Vũ Hồng Quang (ảnh trái, nguyên Phó Phòng vận tải Hàng không, Cục hàng không Việt Nam, Bộ GTVT) được ghi nhận đã nộp khắc phục 8 tỷ đồng. Bị can Trần Tùng (nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) đã nộp khắc phục 700 triệu đồng.

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án "Nhận hối lộ; đưa hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và che giấu tội phạm” (thường được biết đến là giai đoạn 2 của vụ án "chuyến bay giải cứu").
17 bị can bị đề nghị truy tố, trong đó có một số cựu lãnh đạo như: Bị can Trần Tùng (nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) bị đề nghị truy tố về hai tội danh gồm "Nhận hối lộ” và " Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Nguyễn Văn Văn (nguyên Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam); Lê Ngọc Tường (nguyên Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam) bị đề nghị truy tố về tội danh "Nhận hối lộ"...
Theo kết luận điều tra, các bị can đã lợi dụng hoàn cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ; các công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài có nhu cầu về nước rất lớn nhưng thực tiễn chưa có quy trình, quy định cụ thể giải quyết. 
Một số bị can là cán bộ ở các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan vì động cơ vụ lợi, thiếu gương mẫu, suy thoái về đạo đức, lối sống đã yêu cầu, thỏa thuận, nhận hối lộ trong việc đề xuất, phê duyệt chấp thuận chủ trương cách ly cho công dân về nước hoặc trục lợi thông qua quá trình làm thủ tục, xin cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận cho công dân về nước.
Theo cơ quan điều tra, trong vụ án này, phần lớn các bị can đã thành khẩn khai báo, chủ động nộp lại để khắc phục hậu quả vụ án những số tiền lớn. Cụ thể, bị can Trần Tùng thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Trần Tùng đã nộp lại số tiền 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả của vụ án. 
Bị can Lê Thị Phượng (chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương) đã nộp lại số tiền 600 triệu đồng. Bị can Nguyễn Văn Văn (nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) nộp lại số tiền 450 triệu đồng. Bị can Lê Ngọc Tường (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam) đã nộp lại số tiền 400 triệu đồng.
Người được ghi nhận nộp khắc phục hậu quả nhiều nhất trong vụ án là bị can Vũ Hồng Quang (nguyên Phó Phòng vận tải Hàng không, Cục hàng không Việt Nam, Bộ GTVT). Ông Quang được ghi nhận là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và đã nộp khắc phục số tiền 8 tỷ đồng.
Hai người làm lao động tự do trong vụ án là Vũ Hoàng Dũng và Trần Thanh Nhã đã nộp khắc phục số tiền lần lượt là 2,8 tỷ đồng và 2,5 tỷ đồng. Bị can Nguyễn Mạnh Cương đã chủ động nộp lại số tiền hơn 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Đối với vụ án này, cơ quan điều tra kiến nghị: Khi Đảng, Nhà nước giao chủ trương, chính sách để Chính phủ thực hiện, cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, có quy trình, quy định cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Các Bộ, ngành, địa phương khi được giao nhiệm vụ, cần ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai cụ thể, công khai để tổ chức thực hiện.
(Theo VOV)