YênBái - Nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, ngày 17/9/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Người dân đến Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái giao dịch sau bão số 3.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng các tổ chức tín dụng về việc phân loại tài sản có mức trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Tại tỉnh Yên Bái, các tổ chức tín dụng cũng đã vào cuộc chủ động rà soát khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3 và triển khai các giải pháp chỉ đạo của cấp trên nhằm nhanh chóng hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.
Gia đình anh Nguyễn Trường Xuân ở thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái bị mất trắng gần 5.000 con gà do ảnh hưởng của bão số 3. Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng nuôi gà rộng 500m2 trống trơn vừa được dọn dẹp vệ sinh, anh Xuân xót xa: "Tháng trước, cả chuồng gà chật kín với 5.000 con, trọng lượng trung bình 1,7 kg/con. Mặc dù đã tính toán mực nước sẽ dâng cao như mức lũ kỷ lục năm 2008, do vậy trại gà được lắp đặt sàn trên cao, nếu nước lên gà sẽ đậu trên sàn. Song lũ về quá nhanh, nước sông Hồng chảy cuồn cuộn, dâng cao trên báo động 3 gần 4m, không kịp trở tay nên đàn gà chết chìm trong dòng nước đục".
Trại gà của anh Xuân nuôi toàn bộ giống gà Mông xương đen, thịt đen, khoảng 2 tháng nữa sẽ xuất bán, với giá ký kết hợp đồng 86.000 đồng/kg, dự kiến sẽ thu được gần 800 triệu đồng. Sau cơn lũ, giờ chỉ còn lại món nợ gần 600 triệu đồng. Anh Xuân mong muốn ngân hàng cần sớm có chính sách tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Cũng như anh Xuân, nhiều người dân là khách hàng của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 dẫn đến việc khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng các tổ chức tín dụng về việc phân loại tài sản, phương pháp trích lập và sử dụng nguồn dự phòng rủi ro để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3; chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; đồng thời xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất, kinh doanh...
Ngay khi Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3, nhiều ngân hàng đã dự kiến đưa ra mức hỗ trợ cho khách hàng.
Theo thống kê có khoảng hơn 3.000 hộ vay vốn chính sách tại Yên Bái bị ảnh hưởng bởi mưa lũ với số tiền trên 88 tỷ đồng. Cùng với đó, nhu cầu vốn bổ sung cấp bách trong năm 2024 để khắc phục, khôi phục sản xuất kinh doanh sau thiên tai là 442 tỷ đồng, tập trung vào chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cho vay sửa chữa, xây mới các công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình giải quyết việc làm, cho vay làm nhà ở xã hội...
Ông Dương Quốc Tuấn - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát các khách hàng vay vốn bị thiệt hại, để áp dụng biện pháp xử lý rủi ro phù hợp, đúng quy định.
"Tại thời điểm này, mỗi hộ nghèo do bị thiệt hại bão lũ tại địa phương được vay từ 80 - 100 triệu đồng vốn ưu đãi. Thời gian tới, đơn vị sẽ ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có thiệt hại về thiên tai tiếp cận vốn ưu đãi gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới” - ông Tuấn cho biết.
Những chương trình hỗ trợ hiện nay không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định xã hội sau bão lũ. Để hỗ trợ khách hàng nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp khách hàng tiếp cận các nguồn vốn thông qua các chính sách tài chính linh hoạt và kịp thời.
Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng do bão lũ thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9 đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9 đến ngày 31/12/2024. Lãnh đạo Agribank Chi nhánh Yên Bái chia sẻ: "Thực hiện chỉ đạo của hệ thống, Chi nhánh đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Quan điểm của Chi nhánh là tập trung triển khai kịp thời các chính sách theo đúng quy định, bảo đảm hỗ trợ khách hàng nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh”.
Quang Thiều
Đăng thảo luận
2024-11-01 08:07:28 · 来自222.39.48.142回复