Chứng kiến các thế hệ trước kiệt sức khi làm sếp, nhiều lao động trẻ chủ động từ chối thăng chức.
Trong bối cảnh nhiều công ty tìm cách tinh giản bộ máy quản lý cấp trung từ năm 2022, thế hệ Gen Z (sinh năm 1997 đến 2012) lại cố gắng từ chối vị trí này.
Khảo sát gần đây của công ty tuyển dụng Robert Walters (Anh) cho thấy 72% người thuộc thế hệ trẻ nhất trong lực lượng lao động mong muốn phát triển chuyên môn cá nhân hơn là thành quản lý.
16% nhân lực Gen Z được khảo sát khẳng định sẽ tránh xa vị trí quản lý cấp trung bằng mọi cách. 36% dự đoán sẽ đảm nhận vị trí quản lý trong tương lai cũng không mong muốn điều này.
Thực tế này cho thấy phần lớn lao động trẻ không còn hứng thú với việc quản lý con người. Xu hướng này được gọi là chủ động né tránh làm sếp (conscious unbossing).
Không phải Gen Z mất tham vọng thăng tiến, họ chỉ không muốn gánh thêm trách nhiệm quản lý.
Lucy Bisser, giám đốc của Robert Walters, cho biết thế hệ này thích tự làm chủ các dự án và xây dựng thương hiệu cá nhân hơn là dành thời gian quản lý người khác.
Xu hướng này thể hiện rõ qua việc ngày càng nhiều người trẻ từ bỏ con đường thăng tiến truyền thống trong công ty để khởi nghiệp hoặc trở thành người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer).
Trên Linkedln, "nhà sáng lập" là tên gọi công việc có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong số các sinh viên Gen Z mới tốt nghiệp.
Một khảo sát của Morning Consult năm 2023 cho thấy gần 60% Gen Z muốn trở thành influencer toàn thời gian nếu có cơ hội. Con số này không thay đổi nhiều so với năm 2019.
Nhiều nhân sự Gen Z không còn muốn thăng tiến bởi áp lực công việc và đối diện với làn sóng sa thải nhân sự cấp trung. Ảnh minh họa: Shutterstock
Steven Schwartz, nhà sáng lập và CEO Gen Z của Whop nói: "Thế hệ của tôi không còn mơ về những công việc tư vấn, ngân hàng hay phi hành gia nữa".
Steven cho rằng Gen Z ngày nay khao khát được tự do sáng tạo, xây dựng sự nghiệp độc lập và tìm kiếm thành công theo cách riêng. Nhờ Internet và công nghệ, họ có thể tiếp cận thông tin cùng những cơ hội mới. Những cá nhân này cũng muốn một công việc không chỉ có thu nhập mà phải thú vị, có thể phát triển bản thân.
Ngày càng nhiều Gen Z có xu hướng e ngại vị trí quản lý, dù nhiều người đang được cân nhắc lên vai trò này.
Năm ngoái, 12.000 quản lý ở Google đã mất việc. Nhân viên cũng được thông báo việc thăng chức sẽ nhiều khó khăn hơn trong tương lai. CEO Meta, Mark Zuckerberg, cũng nhấn mạnh việc giảm bớt các lớp quản lý trong quá trình tái cấu trúc công ty. Theo Bloomberg, các vị trí quản lý cấp trung chiếm gần 1/3 số vụ sa thải trong năm 2023, tăng từ 20% năm 2018.
Xu hướng "great unbossing" (làn sóng loại bỏ quản lý) chưa có dấu hiệu dừng lại khi CEO Amazon Andy Jassy vừa tuyên bố tăng tỷ lệ nhân viên so với quản lý lên ít nhất 15%.
Nhưng nhiều quản lý cấp trung đang dần rời bỏ vị trí của mình.
Khảo sát của công ty phần mềm Capterra (Mỹ) cho thấy 75% quản lý thuộc thế hệ Millennials cảm thấy quá tải, căng thẳng và kiệt sức. Khi được hỏi về lý do từ chối công việc quản lý, gần 70% cho biết "áp lực quá lớn, phần thưởng quá ít".
Lucy Bisser cho biết những người mới làm quản lý cấp trung phải đối mặt với khối lượng công việc tăng đột biến, kỳ vọng cao hơn về chuyện luôn sẵn sàng hỗ trợ nhân viên và tiếp tục hoàn thành mục tiêu cá nhân.
"Những vai trò này có thể gây quá tải và khiến nhiều người e ngại đảm nhận thêm trách nhiệm", giám đốc của Robert Walters nói.
Minh Phương (Theo Fortune)
Đăng thảo luận