Frantz Byrch Pedersen - 42 tuổi, doanh nhân gốc Đan Mạch - đã chọn gắn bó với Hội An để thực hiện giấc mơ tái chế rác và dành một phần tốt đẹp 'trả lại Việt Nam'.

Frantz và giấc mơ hồi sinh cuộc đời mới cho rác nhựa  第1张

Frantz và chiếc xe đặc biệt rong ruổi ở phố cổ Hội An - Ảnh: N.V.

Frantz có hơn 20 năm làm việc ở nhiều quốc gia tại châu Á. Năm 2015, lần đầu đến Việt Nam, Frantz chợt yêu đất nước này. Từ văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên và con người Việt Nam đều cho anh ấn tượng và trở thành động lực níu chân anh lại nơi này.

Chọn Việt Nam

Thời gian đầu anh kiếm nguồn nguyên liệu tre tại một số tỉnh phía Bắc và làm bình nước, bàn chải đánh răng, cốc và các sản phẩm độc đáo từ tre. Năm 2020-2022, anh tập trung vào việc trộn rác tre, rác cà phê, rác giấy, rác thải gỗ với nguyên liệu sinh học để ép khuôn sản phẩm mang tên Not Just a Cup.

Sản phẩm được đăng ký kiểm định và bán ở châu Âu từ đầu năm 2022. Từ tháng 3-2022, Frantz về Việt Nam và chọn Hội An làm nơi dừng chân. Giữa năm 2022, anh tìm gặp chính quyền Hội An và chia sẻ mong muốn bắt đầu thu gom, băm nhỏ và tái chế rác thải nhựa ở Hội An và Đà Nẵng.

Frantz kể anh mất khoảng 18 tháng nghiên cứu giải pháp của mình và nói chuyện với các chủ cửa hàng kinh doanh lĩnh vực ăn uống, các khách sạn, hộ gia đình, trường học ở cả hai thành phố. Họ đồng ý giúp phân loại rác thải nhựa và làm sạch trước khi trao đến anh.

Frantz và giấc mơ hồi sinh cuộc đời mới cho rác nhựa  第2张

Chiếc xe đặc biệt của Frantz và hành động đẹp khiến nhiều người yêu mến - Ảnh: N.V.

"Chúng tôi gọi họ là các "đối tác nhựa". Hai bên cùng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Họ tôn trọng công việc của tôi và cũng hiểu rằng hai bên đang giúp đỡ nhau vì một môi trường tốt hơn và sạch hơn, đồng thời ngăn chặn rác thải nhựa được đưa vào các bãi chôn lấp hoặc đại dương", Frantz chia sẻ.

Bước tiếp theo Frantz tìm kiếm các nhà máy ở Việt Nam nhận thiết kế và sản xuất các sản phẩm đặt hàng từ nguyên liệu rác tái chế. Tháng 11-2023, anh đặt mua chiếc máy băm nhỏ đầu tiên về kho ở Hội An và cùng vài cộng sự bắt đầu thu gom rác thải nhựa.

Đến nay nhóm anh đã có hơn 100 đối tác nhựa tại Hội An và Đà Nẵng. Thông qua mạng xã hội, những thông điệp được đặt tại các quán cà phê… dự án mang tên "Not Just Plastic" dần được nhiều người biết đến.

Chiếc xe truyền cảm hứng

Sau khi thiết lập sự kết nối và tin cậy với các đối tác nhựa, Frantz bắt đầu hành trình thu gom rác nhựa cố định vào ba ngày mỗi tuần. Anh hướng đến rác thải nhựa có giá trị thấp như ly nhựa và nắp ly dùng một lần, túi nilông, ống hút nhựa, là những loại rác thải khó thu gom và tái chế.

Mỗi ngày chiếc xe kéo tự chế với dòng chữ "Chúng tôi tái chế rác thải nhựa" theo anh rong ruổi khắp các con phố.

Thấy bóng xe anh đi qua, đám trẻ xúm lại, nhảy lên thùng xe và phụ anh gom rác. Du khách ở phố cổ Hội An nhiều người cũng nán lại hỏi han khi thấy chiếc xe lạ của anh. Mỗi tuần lại có thêm vài đối tác nhựa mới tìm đến nhóm.

  • Đồ ăn nào cũng có sẵn muỗng nhựa, 'cùng giảm rác thải' chỉ là kêu gọi suông?

  • Nhiều nơi ngập ngụa rác thải, bạn đọc kiến nghị mạnh tay ngăn xả rác

Anh Trần Đình Quốc Khương, một chủ nhà hàng tại phố cổ Hội An, cho biết hình ảnh Frantz cùng chiếc xe máy kéo rong ruổi trên khắp đường phố để thu gom rác nhựa làm lay động trái tim nhiều người.

"Việc làm của anh không chỉ bảo vệ môi trường mà còn mang lại rất nhiều tác động tích cực đến với người dân. 

Nhiều người cũng dần thay đổi ý thức với môi trường khi chứng kiến một chàng Tây làm việc đó tại đất nước mình. Nhiều hàng quán cũng đã sử dụng hộp ly giấy nhiều hơn, bà con thay thế túi nilông bằng túi tái chế dùng nhiều lần", anh Khương kể.

Nối dài vòng đời cho rác

Rác nhựa sau khi được thu gom về kho sẽ được phân loại thành các loại khác nhau và được băm nhỏ thành các mảnh nhựa có kích thước 8-10 mm. Các mảnh nhựa này sau đó được giao đến nhà máy đối tác để sản xuất ra sàn lót ngoài trời, túi xách, tấm pallet...

Ngoài ra nhóm của Frantz còn làm thêm móc khóa, tổ chức các buổi hội thảo để các trường học đến tham quan, học hỏi và xem hoạt động của họ để truyền thông điệp yêu môi trường.

"Nhìn những nụ cười của người cho rác, những thay đổi nhỏ của người trẻ khi chứng kiến hành động của chúng tôi, tôi biết ơn vì đã đến Việt Nam và làm việc ở đây, biết ơn vì đã và đang làm một công việc tạo nên sự khác biệt và truyền cảm hứng cho mọi người, vì một Việt Nam xanh hơn và tốt đẹp hơn", Frantz bộc bạch.

Hiện tại Frantz tiếp tục phát triển các sản phẩm bền vững như bàn chải đánh răng, cốc, chai, ống hút… Sàn ngoài trời bằng rác thải cà phê, rác thải nhựa và rác thải tre cũng đang được sản xuất.

Nhóm vẫn khuyến khích người dân mang rác nhựa đến và tích điểm. Mỗi ký rác tương đương với 1 điểm.

Trả lại Việt Nam

Trong hành trình của mình, Frantz đã có sáng kiến mang tên "Trả lại Việt Nam". Với mỗi sản phẩm tái chế bán được, anh sẽ gửi lại một phần cho các trường học miền núi và các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam.

Sau mấy năm thực hiện, "Trả lại Việt Nam" đã góp phần xây dựng 12 hệ thống lọc nước và 1 dự án năng lượng mặt trời tại Lào Cai. Ước tính có khoảng 3.000 học sinh miền núi được cung cấp nước uống an toàn từ dự án này.