Cổ phiếu của hãng thương mại điện tử PDD mất gần 30% trên sàn chứng khoán Mỹ, khi nhà đồng sáng lập cảnh báo hãng khó duy trì tốc độ tăng trưởng.

Chốt phiên giao dịch 26/8, cổ phiếu PDD - công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Temu - ghi nhận mức giảm mạnh nhất trên sàn Nasdaq (Mỹ), kể từ khi hãng IPO năm 2018. Việc mất 29% trong một phiên, khiến tài sản của nhà sáng lập PDD - Colin Huang bốc hơi tới 14 tỷ USD.

Hôm qua, PDD thông báo doanh thu quý II đạt 97,1 tỷ nhân dân tệ (13,6 tỷ USD), thấp hơn dự báo là 100 tỷ nhân dân tệ. Lợi nhuận ròng đạt 32 tỷ nhân dân tệ, cao hơn dự báo khoảng 4,5 tỷ nhân dân tệ.

Dù vậy, Chen Lei - nhà đồng sáng lập PDD liên tục nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng hiện tại của hãng khó duy trì, trong bối cảnh các đối thủ như TikTok của ByteDance và Alibaba Group liên tục tung chính sách giá rẻ hút người mua. "Cạnh tranh luôn tồn tại trong ngành của chúng tôi và dự kiến còn khắc nghiệt hơn. Tăng trưởng doanh thu cao không phải là điều bền vững. Tỷ suất lợi nhuận giảm cũng khó tránh", Chen nói.

Cổ phiếu công ty mẹ Temu giảm sâu  第1张

Temu nhanh chóng phổ biến trên toàn cầu dù mới hoạt động 2 năm. Ảnh: Reuters

Sàn thương mại điện tử Temu - một trong các ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ, sau khi xuất hiện tại thị trường này năm 2022. Sàn này gần đây tích cực tăng hiện diện trên toàn cầu, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đang đi xuống.

Tổng doanh số giao dịch trên sàn (GMV) của Temu tăng trưởng theo cấp số nhân. Năm 2022, GMV đạt 290 triệu USD nhưng năm ngoái đã tăng lên 14 tỷ USD, theo ECDB. Dự báo doanh số giao dịch đạt 29,5 tỷ USD năm nay và 41 tỷ USD vào năm sau.

Tại Trung Quốc, PDD vài năm qua giành thêm thị phần từ các đối thủ Alibaba và JD, nhờ chiến lược giá rẻ. Họ cũng tích cực quảng cáo để đối phó cạnh tranh từ các startup, như ứng dụng video ngắn Kuaishou Technology. Những việc này đã giúp nhà sáng lập Colin Huang có thời điểm trở thành người giàu nhất Trung Quốc, với 49,3 tỷ USD, theo Bloomberg.

Dù vậy, hãng này gần đây lại gặp nhiều rắc rối pháp lý, sau thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng. Tháng trước, hàng trăm người bán đã tới các văn phòng để phản đối chính sách phạt mới của công ty này. "PDD sau này còn đối mặt với cạnh tranh khắc nghiệt hơn tại Trung Quốc, do người bán hàng tại đây đang trải qua thời kỳ khó khăn. Họ có lẽ phải tăng đầu tư", Wang Xiaoyan - nhà phân tích tại 86Research cho biết.

Liên minh châu Âu (EU) cũng dự định đưa ra đề xuất lấp lỗ hổng về thuế nhập khẩu với hàng giá trị thấp mua qua mạng. Động thái này sẽ tác động lên nhiều hãng bán lẻ khác của Trung Quốc, trong đó có Temu.

Hà Thu (theo Bloomberg, Reuters)