Tính hết tháng 9/2024, có 125.338 địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức để lừa đảo đã được ghi nhận.
Trong tuần từ ngày 7/10 đến 13/10, Cục An toàn thông tin cảnh báo về các chiêu thức sau:
- Cảnh báo lừa đảo huy động vốn đa cấp trái phép: đối tượng lừa đảo giới thiệu một tập đoàn có trụ sở nước ngoài, thực hiện các dự án công nghệ vận tải, hoạt động theo hình thức huy động vốn qua việc mua các gói cổ phần.
Theo đó, nạn nhân chỉ cần giới thiệu thêm thành viên vào hệ thống để nhận hoa hồng, càng giới thiệu được nhiều thành viên mức hoa hồng càng cao.
Tập đoàn này có văn phòng tại Việt Nam nhưng lại chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần thận trọng trước các lời mời đầu tư, huy động vốn với lãi suất cao bất thường. Người dân cần kiểm tra tính pháp lý (gồm giấy phép hoạt động và các thông tin liên quan) trước khi tham gia. Đồng thời, người dân cũng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia uy tín. Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo cần báo ngay cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
Cảnh báo: lừa đảo cho vay ‘tín dụng đen’ tiếp tục hoành hành- Cảnh báo cho vay "tín dụng đen" qua mạng: nắm bắt tâm lý người dân có nhu cầu vay tiền online, các đối tượng đã mạo danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng lừa đảo dẫn dụ người dân bằng cách hứa hẹn khoản vay nhanh, không cần chứng minh tài sản, không kiểm tra tín dụng và thủ tục đơn giản.
Sau khi lấy được lòng tin của nạn nhân, đối tượng yêu cầu người vay đặt cọc hoặc trả trước một khoản tiền nhất định là khoản phí dịch vụ, phí hồ sơ nhằm mục đích chiếm đoạt.
Ngoài ra, các đối tượng có thể yêu cầu người dùng tải ứng dụng cho vay giả mạo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng thậm chí là thông tin thẻ tín dụng.
Sau khi điền các thông tin, người dân không chỉ không nhận được tiền vay mà còn lộ cả thông tin cá nhân.
Bên cạnh đó, còn có dịch vụ cho vay online ban đầu hứa hẹn lãi suất thấp nhưng khi giải ngân thì lãi suất tăng kèm theo hàng loạt phí phạt vô lý. Nếu người vay không thể trả nợ, các đối tượng sẽ dùng các biện pháp đe dọa, khủng bố tinh thần thậm chí bôi nhọ danh dự người vay trên mạng xã hội.
Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân cần cảnh giác trước những quảng cáo vay tiền trên mạng, chỉ nên vay từ các tổ chức, ngân hàng uy tín được cấp phép hoạt động, không truy cập, tải ứng dụng, website vay không rõ nguồn gốc. Không thực hiện chuyển tiền cho đối tượng lạ, không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu.
- Mạo danh công ty điện lực: đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên điện lực gọi điện thông báo khách hàng nợ tiền điện lớn và đe dọa cắt điện nếu thông thanh toán.
Sau đó, đối tượng yêu cầu người dân chuyển khoản vào tài khoản cá nhân hoặc cung cấp thông tin ngân hàng để giải quyết nợ.
Các đối tượng gửi tin nhắn, email giả mạo thông báo hóa đơn tiền điện, kèm đường link, ứng dụng giả mạo yêu cầu người dân thanh toán trực tuyến. Khi tải app, bấm vào đường link và điền thông tin, người dân sẽ bị kẻ gian chiếm đoạt thông tin cá nhân.
Cục An toàn thông tin cho biết công ty điện lực thường không yêu cầu thanh toán gấp qua điện thoại hoặc chuyển khoản vào tài khoản cá nhân. Qua đó, Cục khuyến nghị người dân cần cảnh giác, kiểm tra lại thông tin trực tiếp từ các kênh chính thức. Tuyệt đối không chuyển khoản và cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng lạ, không truy cập đường link, tải app do người lạ gửi.
Đăng thảo luận