Chưa thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu

(Dân trí) - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, phía đại diện người lao động vẫn chưa thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu.

Tại họp báo thông tin kết quả Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 sáng 3/12, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, tại phiên thứ nhất của Hội đồng tiền lương quốc gia cách đây 4 tháng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đại diện người lao động - đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng là 5%.

"Đến nay hoặc thời gian tới, mức tăng lương tối thiểu vùng phía Tổng liên đoàn đề xuất bao nhiêu thì chúng tôi chưa thống nhất, bàn bạc", ông Hiểu nói.

Lý giải về việc này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tại mỗi thời điểm, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe doanh nghiệp, mong muốn của người lao động, phía Tổng Liên đoàn sẽ tính toán mức tăng lương tối thiểu khác nhau.

Chưa thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu  第1张

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu (Ảnh: Nguyễn Hải).

Nội dung này tiếp tục được đại diện người lao động đánh giá kỹ hơn bức tranh về kinh tế, đặc biệt sức khỏe của doanh nghiệp để có đề xuất phù hợp trong những phiên đàm phán của Hội đồng tiền lương quốc gia tới đây.

Liên quan đến thông tin trong 5 năm qua, tổ chức công đoàn đã đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng với tổng mức tăng là 25,34% và Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chấp thuận ở mức tăng là 23,3%, ông Hiểu cho hay, đây là con số cộng dồn của nhiệm kỳ vừa qua.

Theo vị này, con số trên cũng là minh chứng nỗ lực công đoàn nâng cao đời sống của đoàn viên, người lao động thông qua thương lượng tiền lương.

Trong nhiệm kỳ 2023-2028, một trong những khâu đột phá được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tiền lương, tiền thưởng...

"Chúng tôi xác định thương lượng tiền lương phải tập trung cao nhất. Bởi người lao động khi đi làm phải có lương đảm bảo cuộc sống", ông Hiểu nói.

Để làm được nhiệm vụ trên, Công đoàn Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp như đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ công đoàn cơ sở về tiền lương, kỹ năng thương lượng. Bên cạnh đó, trong việc tham gia xây dựng chính sách, đơn vị quan tâm nghiên cứu sửa đổi cơ chế tiền lương tối thiểu hiện nay, cụ thể là việc xác định vùng áp dụng lương tối thiểu.

Ông Hiểu dẫn chứng, ngay tại những vùng, địa phương phát triển, phải nâng mức lương vùng lên để mức lương lao động cao hơn.

Sau quá trình thương lượng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng phối hợp với Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam giám sát việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp.

Trước đó, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Hoàng Quang Phòng cho biết, Hội đồng tiền lương đã thống nhất lùi thời điểm bàn việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 đến cuối năm nay.

Theo ông Phòng, dự kiến tháng 12, Hội đồng sẽ họp lại. Bởi vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng vào đầu năm 2024 nhiều khả năng không thực hiện được.

Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH Tống Văn Lai cho hay, Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Chính phủ lùi thời gian trình phương án tăng lương tối thiểu tới cuối năm nay.

Liên quan đến đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về thời điểm trình Nghị định quy định về tiền lương tối thiểu vùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đồng ý đưa nội dung xây dựng và trình Nghị định này ra khỏi Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH được giao xây dựng và trình dự thảo Nghị định nêu trên sau khi Hội đồng tiền lương quốc gia có khuyến nghị chính thức với Chính phủ về phương án điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2024.

Đầu tháng 8, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên, bàn thảo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. 

Kết thúc phiên họp thứ nhất vào sáng 9/8, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất thời điểm họp các phiên tiếp theo vào quý IV năm 2023 thay vì vào tháng 7, 8 như thông lệ. 

Tại phiên họp, đại diện người lao động, chủ sử dụng lao động... trình bày các căn cứ, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Về cơ bản, tất cả các thành viên đều chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, chia sẻ với đời sống của công nhân, người lao động khi thu nhập chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.

Bộ phận kĩ thuật đưa ra đề xuất tăng lương vào thời điểm từ ngày 1/1/2024 hoặc ngày 1/7/2024. Mức đề xuất tăng lương tuân theo nguyên tắc sao để lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống tối thiểu.

Công đoàn mong muốn mức điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2024 tăng từ 5-6%.