Những năm 1950, tỉ lệ thai phụ gặp tình trạng nhau cài răng lược (một loại biến chứng sản khoa nguy hiểm) trên thế giới chỉ là 3/1.000, nhưng năm 2019 con số này là 17% và có liên quan đến việc mổ đẻ quá nhiều.

Bác sĩ sản cảnh báo mổ đẻ quá nhiều, gia tăng nhiều loại tai biến  第1张

Ông Nguyễn Duy Ánh phát biểu tại Hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp 2024 - Ảnh: BVCC

Phát biểu tại Hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp đang tổ chức ở Hà Nội, ông Nguyễn Duy Ánh - giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương - cho biết tỉ lệ thai phụ gặp biến chứng nhau cài răng lược đang gia tăng, đây là tai biến sản khoa nghiêm trọng, tỉ lệ tử vong mẹ có thể lên tới 7% nếu bác sĩ không có kinh nghiệm chẩn đoán, phân loại và điều trị.

Ông Ánh cho hay những năm 1950 con số này chỉ ở mức 3/1.000 ca, nhưng hiện nay rất cao và một phần nguyên nhân là do mổ đẻ gia tăng không đúng chỉ định, mổ đẻ do nhu cầu sản phụ, nhu cầu xã hội chọn giờ sinh, ngày sinh kéo theo nhiều loại tai biến.

Những biến chứng có thể gặp do chỉ định mổ đẻ không hợp lý như sẹo mổ không liền, rong kinh, rong huyết, nhau cài răng lược...

"Chỉ có trường hợp mẹ và bé có bệnh lý, không mổ thì không đảm bảo an toàn mới chỉ định mổ, nhưng hiện nay mổ đẻ quá nhiều, trung bình trên 30% nhưng có nơi tới 40%" - ông Trần Danh Cường, nguyên giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, cho biết.

Nhưng thực tế, theo ông Cường, có trường hợp bác sĩ thứ hai đầu tuần đi làm đã đăng ký ca mổ đẻ do suy thai vào... thứ bảy tới, chỉ định mổ đẻ đó là không chấp nhận được.

"Cần phải xem lại chỉ định mổ lấy thai hiện nay do không phải là không có biến chứng, mổ lấy thai có phải là vô hại đâu, trong khi sinh thường ít biến chứng hơn. Sách vở không dạy chúng tôi mổ giờ này em bé tốt hơn, mổ giờ kia em bé khổ hơn. 

Nhưng việc mổ lấy thai hiện nay không phải do thai quá to hay bệnh lý mẹ và bé nặng nề, mà hoàn toàn do lạm dụng, có cả thầy thuốc lạm dụng và sản phụ lạm dụng" - ông Cường cho hay.

Ông Cường cũng cho biết do vấn đề "kinh tế y tế", bệnh viện này không mổ thì gia đình sang bệnh viện khác, và cần một quy định để có đồng thuận trong chỉ định mổ đẻ tại hệ thống bệnh viện phụ sản thì mới giảm được tỉ lệ này.

Với riêng biến chứng nhau cài răng lược, ông Ánh cho hay bên cạnh cứu mẹ và bé thì quan trọng là điều trị bảo tồn tử cung cho sản phụ, từ đó tránh được các bệnh hay gặp do mất tử cung cho phụ nữ như són tiểu, tiểu tiện không tự chủ, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, bệnh lý mạch vành...

Hiện các phương pháp phẫu thuật điều trị bảo tồn nhau cài răng lược có tỉ lệ thành công khá cao, nhưng ông Ánh cho biết bác sĩ các tuyến phải phân loại được mức độ nhau cài răng lược, qua đó mới có biện pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả.