Công ty Lpixel (Tokyo) đang hợp tác với Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản để đưa hệ thống chẩn đoán bệnh lao bằng AI vào Thái Lan.
Sau khi thử nghiệm thành công tại Thái Lan, hệ thống chẩn đoán bằng AI này sẽ được áp dụng rộng rãi tại các bệnh viện. Lpixel đặt mục tiêu cung cấp hệ thống này cho 100 cơ sở y tế trong khu vực Đông Nam Á trong vòng 3 năm tới, trong đó Thái Lan là thị trường trọng tâm.
Nhờ vào thuật toán do chính công ty phát triển, mô hình AI này có khả năng thông báo cho bác sĩ những dấu hiệu bất thường dựa trên ảnh chụp X-quang ngực. Công nghệ này đã được áp dụng tại Nhật Bản để hỗ trợ chẩn đoán các bệnh về phổi, và đang được mở rộng để phát hiện bệnh lao.
Hệ thống chẩn đoán bằng AI của Lpixel có khả năng phát hiện các dấu hiệu bất thường dựa trên ảnh chụp X-quang ngực. Ảnh: Shoko KugaiTheo Tổ chức Y tế Thế giới, số người mắc bệnh lao trên toàn cầu đang gia tăng đáng kể. Năm 2022, có đến 10,6 triệu người mắc bệnh này, tăng 300 nghìn người so với năm trước. Trong đó, Đông Nam Á là khu vực có số ca mắc bệnh cao nhất, chiếm tới 46% tổng số ca bệnh trên toàn thế giới.
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nhanh nên việc phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng. Tuy nhiên, tại Thái Lan, việc số lượng bác sĩ điều trị bênh này hạn chế đã ảnh hưởng đến thời gian phát hiện bệnh.
Ban đầu, hệ thống AI của Lpixel được phát triển dựa trên lượng lớn dữ liệu hình ảnh X-quang của người Nhật Bản. Để đảm bảo độ chính xác khi áp dụng tại Thái Lan, công ty này đã điều chỉnh bằng cách kết hợp thêm 5% dữ liệu của bệnh nhân lao tại đây và xem xét sự khác biệt về trang thiết bị và kỹ năng chụp ảnh của nhân viên y tế giữa hai nước. Lpixel đã chính thức gửi đơn xin cấp phép cho hệ thống đến cơ quan y tế Thái Lan vào tháng 8.
Các hãng sản xuất máy X-quang lớn trên thị trường thường chỉ phát triển phần mềm tương thích với chính sản phẩm của họ. Tuy nhiên, hệ thống của Lpixel có thể linh hoạt hơn, phù hợp với nhiều loại máy X-quang khác nhau, giúp các bệnh viện tiết kiệm chi phí và thời gian.
Được thành lập vào năm 2014 dưới dạng một công ty khởi nghiệp từ Đại học Tokyo, các hệ thống AI của công ty này tập trung vào việc phân tích hình ảnh từ thiết bị nội soi để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
Nhận thấy nhu cầu chẩn đoán bệnh bằng AI tại nhiều khu vực trên thế giới, Lpixel đang nỗ lực mở rộng thị trường quốc tế với mục tiêu đạt 50% doanh thu từ nước ngoài trong 10 năm tới.
Một công ty Nhật Bản khác là AI Medical Service đang thương mại hóa một công cụ AI thông minh, giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư dạ dày chính xác hơn. Công cụ này đang được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản và hiện đang được đưa vào sử dụng tại Brazil và các nước Đông Nam Á.
Tháng Tư vừa qua, Bộ Y tế Brazil đã công nhận và cho phép hệ thống này được sử dụng trong công tác chẩn đoán ung thư dạ dày. Tại khu vực ASEAN, AI Medical Service đã được phê duyệt tại Singapore vào tháng 2, và đặt mục tiêu bán hệ thống của mình tại Thái Lan và Việt Nam trong tương lai gần.
Ông Kenji Yoshida, người đứng đầu công ty, cho biết: “Tại những quốc gia đang phát triển và có số lượng bác sĩ hạn chế, các thiết bị y tế sử dụng AI sẽ là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe”.
Từng có tỷ lệ bệnh nhân ung thư dạ dày cao, Nhật Bản thu thập được một lượng dữ liệu lớn về căn bệnh này để đào tạo các hệ thống AI hiệu quả hơn trong việc chẩn đoán và điều trị. Các quốc gia đang phát triển cũng có tỷ lệ ung thư dạ dày cao, với hơn 20.000 người mắc bệnh hàng năm tại Brazil.
Hiện nay, Nhật Bản có lượng bác sĩ đông đảo, lên đến 35.000 thành viên trong Hiệp hội Nội soi Tiêu hóa. Con số này cao gần gấp 3 lần so với số thành viên trong tổ chức tương tự tại Mỹ. Do đó, Nhật Bản có khả năng thực hiện nhiều ca nội soi hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan.
Thị trường thiết bị y tế dùng để chụp hình (như X-quang, MRI) trên toàn thế giới sẽ tăng trưởng rất nhanh trong những năm tới. Dự kiến sẽ đạt 70,2 tỷ USD vào năm 2032, tăng 74% so với năm 2023. Sự phát triển này được cho là nhờ vào các thiết bị sử dụng AI mới và nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng ở các nước đang phát triển.
Đăng thảo luận