Sân bay Cà Mau sẽ được xây mới đường cất hạ cánh dài 2.400 m, rộng 45 m, đường lăn, sân đỗ máy bay, tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng.
Theo quyết định ngày 16/10 do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký, sân bay Cà Mau được nâng cấp, mở rộng đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương. Đường lăn và sân đỗ máy bay phía Nam sẽ được xây dựng. Sân đỗ đáp ứng ba vị trí đỗ máy bay.
Nhà ga hành khách được mở rộng, gồm hai tầng với diện tích xây dựng 2.660 m2, đón được 500.000 khách mỗi năm và có thể mở rộng đến một triệu khách khi có nhu cầu. Một số công trình phụ trợ được xây mới như đường nối sân đỗ máy bay mới về ga hành khách, trạm cứu hỏa, hàng rào an ninh, đường vành đai.
Vốn nâng cấp sân bay do nhà đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đảm trách.
Sân bay Cà Mau, tháng 4/2023. Ảnh: Anh Tú
Tỉnh Cà Mau được giao kiểm tra, giám sát việc triển khai dự án của ACV, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo ACV đánh giá tác động môi trường dự án. Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn ACV hoàn thiện hồ sơ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đảm bảo phương thức bay an toàn.
Sân bay Cà Mau có từ thời Pháp, quy mô cấp 3C, hiện đường cất hạ cánh dài 1.500 m, rộng 30 m, đáp ứng khai thác loại tàu bay thương mại loại nhỏ như ATR72 (tối đa 90 khách), Embraer E190 (124 khách) và tương đương. Nhà ga có công suất 200.000 khách mỗi năm.
Nhiều năm qua, sân bay khai thác một đường bay Cà Mau - TP HCM bằng máy bay ATR72 và ngược lại, mỗi ngày một chuyến. Giữa năm 2023, Bamboo Airways khai thác chặng Hà Nội - Cà Mau bằng máy bay Embraer song đã tạm dừng.
Theo quy hoạch tổng thể ngành hàng không, cảng Cà Mau đến năm 2030 là sân bay cấp 4C (tiếp nhận các máy bay tầm trung), công suất một triệu khách mỗi năm; đến năm 2050 là sân bay cấp 4C, công suất 3 triệu khách mỗi năm.
Đăng thảo luận