Gần hai tháng trước thời hạn tắt sóng 2G, Việt Nam vẫn còn 11 triệu thuê bao dùng mạng này và cần đổi thiết bị để tiếp tục sử dụng.
Tại tọa đàm về tắt sóng 2G do Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 18/7, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Viễn thông, cho biết lượng thuê bao chỉ sử dụng mạng 2G (2G Only) giảm nhanh những tháng gần đây, nhưng vẫn ở mức "tương đối lớn", với khoảng 11 triệu.
Trong số này, hầu hết đã được nâng cấp sang loại sim hỗ trợ 3G, 4G. Vấn đề còn lại nằm ở thiết bị. Đến ngày 15/9, khi thời hạn tắt sóng 2G diễn ra, thuê bao có nguy cơ không thể hoạt động nếu không nâng cấp máy. Điều này đòi hỏi các cơ quan liên quan, cũng như nhà mạng cần có biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ để người dùng chuyển đổi thiết bị.
Ông Nguyễn Phong Nhã chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Anh Dũng
Một nguyên nhân thuê bao 2G vẫn còn nhiều là người dân gặp khó khăn về chi phí khi mua máy. Đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, việc đổi thiết bị dù vài trăm nghìn đồng cũng là vấn đề lớn.
Ngoài ra, dù đã cấm máy 2G nhập vào Việt Nam từ 2021, nhiều sản phẩm vẫn được lưu thông trên thị trường. Từ tháng 3, các nhà mạng được chỉ đạo không cho các thiết bị không hợp quy nhập mạng, giúp giảm đáng kể loại máy này.
Tuy nhiên theo ông Nhã, các cửa hàng vẫn còn hàng tồn và có thể xảy ra tình trạng hạ giá để xả hàng, thu hồi vốn trong những tháng cuối. Nếu mua phải máy này, người dùng vừa mất tiền vừa không thể sử dụng sau ngày 15/9.
"Nhà mạng đã có giải pháp, dù không thể hỗ trợ 100%. Với người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các tỉnh, thành phố sử dụng nguồn vốn, tài trợ hợp pháp trên địa bàn để phối hợp với nhà mạng hỗ trợ. Một số tỉnh đã triển khai nội dung này", ông Nhã cho biết.
Tại tọa đàm, các hệ thống bán lẻ như Thế giới di động, Di động Việt, hãng điện thoại Oppo hay nhà mạng VNPT, Viettel, MobiFone cho biết cũng đã có chính sách hỗ trợ người dùng nâng cấp máy, như nhập thêm sản phẩm 4G với giá dễ tiếp cận, trợ giá đến 50% cho một số sản phẩm để hỗ trợ người dùng nâng cấp.
Một người lớn tuổi ở Đà Nẵng làm quen sử dụng điện thoại thông minh. Ảnh: Nguyễn Đông
Viettel Telecom, nhà mạng có nhiều thuê bao nhất và cũng còn nhiều thuê bao 2G Only nhất, cho biết trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện trợ giá, bán hàng lưu động tới các xã, giúp chuyển đổi hơn hai triệu thuê bao lên 4G. Tuy nhiên, với lượng khách hàng lớn ở nông thôn, miền núi, hiện còn 5-6 triệu thuê bao cần chuyển đổi, đặt ra thách thức về năng lực cung cấp thiết bị của thị trường.
"Tôi đề xuất các nhà cung cấp nâng sản lượng. Đây là yếu tố quyết định việc chuyển đổi 2G có thành công hay không. Mong các chuỗi cung cấp thiết bị đầu cuối đảm bảo số lượng để hỗ trợ người dùng", ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, nói.
Theo Cục Viễn thông, việc dừng công nghệ 2G, 3G là xu thế chung của thế giới. 37 nước đã hoàn toàn dừng 2G, còn lại đặt mục tiêu vào năm 2028-2030. Việt Nam dừng công nghệ 2G trong năm 2024, chỉ giữ lại một phần để hỗ trợ thiết bị chưa có VoLTE, sau đó tắt toàn bộ mạng vào 2026 trước khi tiến tới dừng công nghệ 3G năm 2028.
Quyết định này là động lực đưa người dân chuyển sang 4G và smartphone, từ đó có thể làm quen với dịch vụ trên môi trường số, tiếp cận dịch vụ số, dần dần hình thành xã hội số, với mục tiêu tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận công nghệ mới. Ngoài ra, việc dừng công nghệ 2G giúp nhà mạng hiệu quả hơn trong việc khai thác mạng lưới, giảm tốn kém, tăng hiệu quả sử dụng tần số, nhà trạm, nguồn điện, tập trung nguồn lực cho công nghệ tiên tiến như 5G.
Lưu Quý
Đăng thảo luận