Gần nhà tôi có đôi vợ chồng trẻ mới chuyển đến sinh sống được hơn nửa năm nay. Họ là những người cởi mở, thân thiện với hàng xóm.
Qua một thời gian tiếp xúc, tôi thấy người chồng rất nghiêm khắc với cậu con trai 6 tuổi, luôn rèn dạy con vào khuôn khổ, từ nền nếp sinh hoạt, giờ giấc học tập, vui chơi giải trí… cho đến phép tắc, lời ăn tiếng nói… Trái ngược chồng, người vợ lại nuông chiều hết mức, con đòi gì cũng đáp ứng.
Chỉ riêng chuyện cho con sử dụng điện thoại, vợ chồng họ cũng nhiều lần to tiếng, cãi nhau. Chồng không muốn cho con tiếp xúc điện thoại sớm, bởi sợ con nghiện điện thoại, ham mê chơi game sẽ chểnh mảng, lười học. Đó là chưa nói tới việc con tiếp xúc điện thoại nhiều sẽ ảnh hưởng thị lực, sức khỏe… Vợ thì hễ con đòi điện thoại, chị đưa ngay, không cần hỏi mục đích, cũng không cần biết con đã học bài chưa…
Hôm trước, đi làm về thấy con đang "dán" mắt vào điện thoại, lại nhân tiện cô giáo thông báo qua Zalo là con không tập trung nghe giảng, người chồng đã bực mình la mắng, đánh đòn con. Nghe tiếng con khóc, người vợ từ bếp chạy ra, hét lên: "Trời ơi, anh định đánh chết con đấy à…?!". Vậy là "chiến tranh" xảy ra. Người chồng cho rằng tại vợ nuông chiều nên con mới "hư" như vậy. Người vợ biện minh con cũng cần được thư giãn và game cũng là một trò giải trí bổ ích, nếu không người ta sáng chế ra làm gì; rằng con còn nhỏ, sao cứ phải ép học nhiều… Không ai chịu thua ai, chỉ có đứa con nhỏ của họ được một phen hoảng sợ.
Đó cũng là tình trạng của nhiều cặp vợ chồng hiện nay. Chưa nói tới một số trường hợp cha mẹ cùng nghiêm khắc dạy dỗ con, trong khi ông bà lại nuông chiều cháu. Việc mâu thuẫn, xung đột xoay quanh đứa trẻ lặp đi lặp lại sẽ làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và sự phát triển của trẻ sau này. Đặc biệt khiến trẻ dựa dẫm vào người khác, dẫn đến việc lì lợm, không nghe lời.
"Dạy con từ thuở còn thơ…". Cần lưu ý dù cách dạy của vợ/chồng sai, hay bất mãn đến đâu, cũng không nên xung đột, cãi nhau trước mặt con. Điều này làm trẻ bị mất phương hướng, không biết nên nghe theo lời ai.
Để dạy con một cách hiệu quả, cha mẹ, ông bà nên trao đổi, bàn bạc thống nhất trong cách dạy. Khi trẻ mắc một khuyết điểm nào đó, cha mẹ không được la mắng con cùng một lúc, hãy để một người đứng ra phân tích cho con hiểu vì sao con sai, con cần làm gì… Người còn lại nên im lặng, đứng một bên theo dõi. Tránh trường hợp "trống đánh xuôi kèn thổi ngược", người này la mắng còn người kia bênh vực. Nếu không đồng ý cách dạy con của vợ/chồng, hãy giải quyết bằng một cuộc nói chuyện riêng. Nên nhớ rằng những lời nói, hành vi ứng xử của người lớn ảnh hưởng rất lớn đến trẻ.
Dạy con là một quá trình lâu dài, cha mẹ nên có chung quan điểm, thống nhất cách giáo dục để trẻ được lớn lên trong tình yêu thương và phát triển một cách tốt nhất.
Đăng thảo luận