Muốn con thật sự hạnh phúc, cha mẹ cần lùi lại một bước, để con tự trải nghiệm và trưởng thành theo cách của riêng mình

Sau đợt thi học kỳ 2, nhà trường tổ chức chuyến du lịch dã ngoại 2 ngày cho học sinh khối 9. Con tôi và các bạn cùng lớp rất hào hứng vì sắp được đi chơi, cùng nhau trải nghiệm những điều mới mẻ.

Lo lắng thái quá

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lại trĩu nặng lo âu. Trên group liên lạc giữa giáo viên chủ nhiệm (GVCN) và phụ huynh học sinh (PHHS) tràn ngập những thắc mắc của cha mẹ lần đầu cho con đi chơi xa. 

Mặc dù GVCN đã trình bày khá tường tận phương thức tổ chức, lịch trình chuyến đi cũng như sự kết hợp giữa công ty lữ hành, khu du lịch, nhà trường nhưng cũng chưa thể làm yên lòng PHHS. 

Người thì lo khó kiểm soát các con ở tuổi đã biết yêu; người lại sợ sức khỏe con bị ảnh hưởng khi phải ngủ lều qua đêm giữa núi rừng. 

 Không ít phụ huynh xin đăng ký đi cùng, tối ngủ lều với con, cũng có những phụ huynh rủ nhau lái xe theo đoàn để giám sát con từ xa.

Nhưng rồi, công ty lữ hành không có tổ chức cho phụ huynh đi cùng, tiền tour đã đóng không thể hoàn lại trong khi con háo hức chuẩn bị mọi thứ cho chuyến đi chơi tập thể. Không còn cách nào khác, phụ huynh đành đồng ý cho con đi chơi mà ruột gan rối bời.

Hiểu được nỗi lòng của phụ huynh, GVCN liên tục cập nhật hình ảnh, thông tin lên group. Nhờ vậy, phụ huynh như cùng được đồng hành với con em mình. 

Có phụ huynh bật cười thích thú khi thấy con trai ở nhà vốn trầm ngâm, ít nói nhưng lại hào hứng cầm micro hát rap trên xe. Hay con gái chưa một ngày xa cha mẹ thì nay mạnh mẽ tham gia các trò chơi cùng bạn bè.

Cảm động nhất là khi phụ huynh được xem khoảnh khắc các con đứng bên nhau cùng hát lên những khúc hát cảm ơn thầy cô, bạn bè trước lúc chia tay mái trường cấp 2 đã từng gắn bó.

Sau chuyến đi, con gái tôi thủ thỉ tâm sự chính nhờ không có phụ huynh đi kèm mà các con được vui chơi thoải mái, được vô tư bộc lộ năng khiếu của mình. Câu chuyện đó khiến chúng tôi nhận ra đã đến lúc cần lơi dần tay nắm để các con được là chính mình.

 Để con được là chính mình 第1张

Minh họa AI: Vy Thư

Không nên áp đặt chủ quan

Không riêng ở lứa tuổi học sinh, ngay cả khi trưởng thành, nhiều người vẫn không thoát được sự bảo bọc của cha mẹ.

T.T.H (38 tuổi, quận Tân Phú, TP HCM) là con một. Từ nhỏ, H. đã được hướng theo nghề y như cha mẹ, không được quyền chọn ngành nhà hàng - du lịch theo ý thích. 

Những năm đại học trôi qua, ra trường, nhờ mối quan hệ của gia đình, H. thuận lợi được nhận vào làm ở một bệnh viện quận. Với H., công việc hiện tại chỉ là một nghề kiếm cơm, không hơn không kém.

Ngay cả việc chọn bạn đời, H. cũng để cha mẹ quyết định. Hồi còn nhỏ, có lần H. "nổi loạn", cãi lời ba mẹ nhưng rồi nhanh chóng nhận ra chỉ thiệt cho mình nếu chọc giận song thân. 

"Áo mặc sao qua khỏi đầu", "Cá không ăn muối cá ươn…", nghe ba mẹ nói riết, H. mặc định những quyết định của họ đều đúng. 

  • Khi cha mẹ và con mất kết nối

  • Cha mẹ phải là người "gác cổng"

  • Những đứa trẻ "mắc kẹt" giữa cha mẹ

"Tôi cũng từng yêu và dẫn bạn gái về ra mắt nhưng ba mẹ nói cô ấy không thích hợp. Tình cảm chưa sâu đậm nên cả hai chia tay luôn. Người vợ hiện tại của tôi là do ba mẹ mai mối, cô ấy là con gái của bạn mẹ…" - H. tâm sự.

Đến bây giờ, H. chưa bao giờ thấy hài lòng với nghề nghiệp cũng như cuộc hôn nhân đã được cha mẹ định đoạt. 

Lần nào ngồi với người bạn thân, H. cũng tâm sự phải chi ngày xưa "bớt" vâng lời cha mẹ. Sự kỳ vọng của cha mẹ có thể xuất phát từ tình yêu thương và hướng đến mục tiêu mang đến cho con một tương lai tốt đẹp nhưng đôi khi họ quên rằng điều mang lại hạnh phúc thực sự chính là con được nhìn nhận đúng theo cách mà chúng thật sự mong muốn. 

Bởi để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, con đã phải từ bỏ các mong muốn cá nhân, đối diện với những sở thích không phải của mình và thậm chí còn phải sống với ước mơ của người khác.

 "Đã quá muộn để thay đổi công việc ở tuổi không còn trẻ. Cuộc hôn nhân của chúng tôi cũng không hạnh phúc vì không tìm thấy tiếng nói chung. Thỉnh thoảng nghe ba mẹ thở dài, tôi biết mình không đủ tốt để làm họ vui lòng nhưng biết sao được…" - H. chia sẻ.

Ông Ngô Đình Trí (65 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) từng có thời gian dài "căng thẳng" khi con gái yêu và đòi cưới một thanh niên nghèo, có cha bị tai biến nằm một chỗ, em trai bị tâm thần. 

"Cha mẹ nào không mong muốn con thành công và hạnh phúc nhưng đôi khi mong ước ấy lại vô tình áp đặt cuộc đời của con, khiến con không hạnh phúc. 

Tôi thương con gái từ nhỏ đến lớn sống sung sướng, không phải động tay làm bất cứ việc gì, sao có thể về làm dâu trong một gia đình hoàn cảnh như thế nên mới phản đối kịch liệt…" - ông Trí kể.

May mắn, vợ ông là người hiểu lý lẽ. Bà nói dù mình lúc nào cũng muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhưng chắc gì điều đó phù hợp với con. 

Bà nhìn thấy ở con rể lòng hiếu thảo, đức hy sinh, tình yêu chân thành và một ý chí vượt khó để vươn lên trong cuộc sống. 

Bây giờ, sau hơn 10 năm chung sống, vợ chồng con gái đã có một cơ ngơi nho nhỏ, hai đứa con kháu khỉnh, ngoan ngoãn, gia đình đầm ấm, yêu thương nhau. 

"Con hạnh phúc, vậy là mình mãn nguyện rồi. Suy cho cùng, đó là điều mà cha mẹ nào cũng mong ước" - ông Trí kết luận. 

Theo ông Ngô Đình Trí, cha mẹ nên để con được nếm mùi thất bại và học cách đứng dậy từ những sai lầm để rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Bởi sai lầm, thất bại là một phần của cuộc sống. Do đó, thay vì làm thay, hãy để con được tự chăm sóc mình.