Giá vàng châu Á đã tăng lên mức cao kỷ lục trong phiên ngày 13/9, trong bối cảnh đồng USD suy yếu do triển vọng về quy mô cắt giảm lãi suất lớn vào tuần tới. Trong khi đó, giá palladium tăng hơn 15% trong tuần này.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trong phiên ngày 13/9, “nối gót” đà tăng trên phố Wall trong bối cảnh nhà đầu tư hào hứng chờ đợi sự kiện cắt giảm lãi suất của Fed trong tuần này.
Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục
Khoảng 14 giờ 03 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.567,23 USD/ounce, sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.570,21 USD/ounce lúc đầu phiên. Kim loại quý này đã tăng khoảng 3% giá trị trong tuần này. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ đã tăng 0,6% lên 2.595,10 USD/ounce.
Đồng USD đã giảm xuống mức thấp của một tuần trong phiên này, khiến vàng - được giao dịch bằng đồng bạc xanh - trở nên hấp dẫn hơn cho các nhà giao dịch nắm giữ đồng tiền khác, khi các nhà đầu tư tranh luận Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản hay 50 điểm cơ bản vào tuần tới.
Nhà phân tích thị trường Tim Waterer tại KCM Trade cho biết bất kể quy mô của đợt cắt giảm lãi suất ban đầu của Fed như thế nào, thì đều cho thấy một chu kỳ bắt đầu nới lỏng tiền tệ có thể kéo dài và thường xuyên, đây là một kịch bản tốt cho các tài sản như vàng, vốn không sinh lợi.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay việc Fed bắt đầu một chu kỳ nới lỏng tiền tệ được chờ đợi từ lâu tại cuộc họp tuần tới là phù hợp khi rủi ro tăng giá đối với lạm phát đã giảm bớt.
Các nhà giao dịch nhận thấy khả năng giảm 50 điểm cơ bản là 41% và khả năng giảm 25 điểm cơ bản là 59%.
Nhà chiến lược hàng hóa của ANZ Soni Kumari cho biết giá vàng có thể lên tới 2.600 USD/ounce trong ngắn hạn, vì đà tăng giá đang khá mạnh vào lúc này.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,3% lên 30,01 USD/ounce và giá bạch kim tăng 0,7% lên 983,95 USD/ounce. Cả hai kim loại này đều hướng tới mức tăng hàng tuần.
Giá palladium đã tăng 0,4% lên 1.050,50 USD/ounce và hướng đến tuần tăng giá nhiều nhất kể từ tháng 12/2023 do lo ngại về hạn chế xuất khẩu.
Đăng thảo luận