(NLĐO) - Sinh vật lạ lùng ở tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc thuộc về thời kỳ gọi là "những năm bị mất", có thể giải thích sự tiến hóa ban đầu của động vật địa cầu.
Theo SciTech Daily, sinh vật lạ ở Trung Quốc được các nhà khoa học từ Viện Địa chất và cổ sinh vật học Nam Kinh (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc) đặt tên là Helicolocellus, đại diện cho thế giới tiền Cambri vẫn còn đầy bí ẩn đối với nhân loại.
Phát hiện vừa được công bố trên tạp chí Nature, đã lấp đầy khoảng trống quan trọng trong lịch sử tiến hóa của bọt biển.
Hóa thạch sinh vật lạ 550 triệu tuổi ở Trung Quốc - Ảnh đồ họa: Yuan Xunlai/SCITECH DAILY
Bọt biển thường được coi là ngành động vật đa bào cơ bản và nguyên thủy nhất. Hóa thạch bọt biển sớm có thể cung cấp manh mối quan trọng về nguồn gốc và sự tiến hóa ban đầu của động vật nói chung, tức bao gồm chính chúng ta.
Bọt biển xuất hiện trên Trái Đất khoảng 700 triệu năm trước . Tuy vậy, các hóa thạch bọt biển cổ xưa nhất từng được khai quật khoảng 539 triệu tuổi, tức đầu kỷ Cambri (541 triệu - 485 triệu năm trước).
Mảnh hóa thạch được khai quật ở tỉnh Hồ Bắc - Ảnh: NATURE
Có điều, thế giới đã thay đổi rất nhiều từ khi kỷ Cambri bắt đầu, cũng là thời kỳ đánh dấu cuộc bùng nổ sinh học vĩ đại nhất trên địa cầu.
Kỷ Cambri là kỷ bắt đầu của liên đại Hiển Sinh, cũng là kết thúc của liên đại Nguyên Sinh. Những gì xảy ra với động vật sơ khai trong liên đại Nguyên Sinh gần như còn chìm trong màn tối.
Hóa thạch 550 triệu tuổi ở Hồ Bắc - Trung Quốc đại diện cho một trong các sinh vật từ bóng tối đó, một thời kỳ mà các nhà khoa học gọi là "những năm bị mất".
Vị trí của sinh vật lạ vừa được phát hiện trên cây phát sinh loài chưa xa tổ tiên chung của chúng ta - Ảnh: NATURE
Sinh vật lạ bị "phong ấn" trong đá 478 triệu năm: Thủy tổ nhiều loàiĐỌC NGAY
Helicolocellus mới được phát hiện cho thấy các đặc điểm hình thái tương tự như bọt biển thủy tinh (Hexactinellida), chẳng hạn như thân hình nón đối xứng xuyên tâm, cấu trúc gắn hình đĩa, có thể có khoang trung tâm và các kênh thoát nước.
Đăng thảo luận