Nằm trên đường Quang Trung, phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Ga Đà Lạt là nhà ga xe lửa duy nhất của khu vực Tây Nguyên, được coi là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương.
Ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938, nằm trong tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt, kết nối thành phố cao nguyên với Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận.
Tuyến đường sắt này dài 84km, độ chênh cao toàn tuyến là 1.500m, được khởi công từ năm 1908 theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Năm 1932, tuyến đường hoàn thành cũng là thời điểm xây dựng ga Đà Lạt.
Toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui, là một tuyến đường sắt đặc biệt bởi có 16km đường sắt răng cưa leo dốc, với độ dốc trung bình 12%. Khi ấy, đường sắt và đầu máy có bánh xe răng cưa chỉ có ở Thụy Sĩ và Việt Nam.
Nhà ga Đà Lạt được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Revéron, với kiến trúc đậm tính bản địa. Cấu trúc công trình mạch lạc, khoa học song hình thức rất tinh tế.
Ga Đà Lạt. (Nguồn: Vietnam+)Công trình có bố cục đối xứng, với khối kiến trúc ở giữa mô phỏng 3 đỉnh của núi Langbiang và những mái nhà rông Tây Nguyên; hai bên là hai khối kiến trúc trải dài. Chính giữa công trình, bên ngoài, dưới mái có mặt đồng hồ to ghi lại thời gian bác sỹ Alexandre Yersin phát hiện ra Đà Lạt.
Đăng thảo luận