Những tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Hậu Giang đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, qua đó, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực.
Sản xuất nông nghiệp đảm bảo mùa vụ, phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu các loại hình dịch vụ khác tăng hơn 8,7% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 12.713 tỷ đồng, vượt 3,89% dự toán Trung ương…
Những tháng đầu năm 2024, kinh tế Hậu Giang tiếp tục tăng trưởng ấn tượng.
Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả kém sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao gia tăng giá trị trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đóng góp vào tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.
Theo ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, ngành đã chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tập trung, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp của ngành đến các địa phương. Đến nay, một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cơ bản đã đạt và vượt chỉ tiêu theo kịch bản tăng trưởng đề ra. Công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, sạt lở, tìm kiếm cứu nạn được ngành chỉ đạo quyết liệt.
Kết quả tích cực của ngành nông nghiệp thể hiện rõ qua vụ lúa Hè Thu và Thu Đông khi nông dân bán lúa được giá cao, có lợi nhuận khá. Ông Nguyễn Trung Dũng (xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ) cho biết, năng suất lúa đạt khoảng 800kg/công, bán giá 8.500 đồng/kg, lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha. Bà con trong vùng đang cải tạo đất chờ xuống giống vụ Đông Xuân theo lịch khuyến cáo của địa phương và ngành nông nghiệp.
Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung thực hiện, toàn tỉnh hiện có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 41/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 80,39% (5 xã nông thôn mới kiểu mẫu); số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 18,2 tiêu chí/xã. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hoàn thiện hợp tác xã thí điểm tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, đã và đang chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch năm đã đề ra. Đặc biệt là triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tăng cường chỉ đạo chuyển đổi sản xuất gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tạo bứt phá mới về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong nông nghiệp. Mở rộng diện tích các mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm nhằm tăng giá trị nông nghiệp cho người dân.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm
Năm 2024, Hậu Giang tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án. Ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đã thực hiện bàn giao 100% mặt bằng cho 2 dự án cao tốc trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn.
Tỉnh Hậu Giang phấn đấu đạt những chỉ tiêu trọng yếu của nhiệm kỳ trong năm 2024.
“Hưởng ứng và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua ‘500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc’, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức hoạt động giao lưu nấu ăn, văn nghệ với người dân cùng kỹ sư, công nhân thi công dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh để biểu dương những nỗ lực, khắc phục khó khăn của chủ đầu tư, đơn vị thi công, cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường; tạo động lực phấn đấu triển khai dự án hoàn thành vượt tiến độ, đạt chất lượng cao, góp phần hoàn thành thắng lợi dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc - Nam. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động này thường xuyên hơn nữa” – ông Thanh cho hay.
UBND tỉnh Hậu Giang cũng chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Tập trung công tác thu ngân sách, tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung chi các nhiệm vụ mang lại hiệu quả, thiết thực. Thực hiện tốt công tác tín dụng, nhất là chính sách đối với hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nghèo.
Nỗ lực những tháng cuối năm
Theo lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang, để thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các ngành chức năng cần có các giải pháp nhằm duy trì ổn định sản xuất của các ngành có tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm, trong đó đặc biệt quan tâm đảm bảo kế hoạch sản xuất trong năm của các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn và dự án nhiệt điện luôn hoạt động ổn định. Chuyển đổi cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh các ngành đang gặp khó khăn…
Lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, đã yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công thực hiện các công trình trọng điểm của quốc gia, của tỉnh và giải ngân các dự án đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, thường xuyên theo dõi sát kế hoạch, mục tiêu giải ngân chi tiết của từng dự án để tập trung chỉ đạo, kịp thời tham mưu, đề xuất điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.
Tổ chức thực hiện các giải pháp hiệu quả tăng thu ngân sách nhà nước, bảo vệ nguồn thu, các giải pháp về cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương chi cho đầu tư công. Kiểm soát chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, trong đó thực hiện nghiêm yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024. Đặc biệt là triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tập trung, quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm...
Xem nhiềuKinh tế
Giá vàng thế giới bứt tốc tăng cao kỷ lục
Kinh tế
Giá vàng nhẫn tăng cao nhất lịch sử
Kinh tế
Thương lái Trung Quốc 'quay xe', giá cau ở Quảng Ngãi lao dốc
Kinh tế
Đề xuất nghỉ 4 ngày Quốc khánh năm 2025, dịp 30/4 nghỉ 5 ngày
Kinh tế
Đăng thảo luận