Nếu có dịp vào di tích Đại nội Huế, lăng Gia Long thuộc Quần thể di tích cố đô Huế được UNESSCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, du khách sẽ không khỏi bất ngờ khi được thử nghiệm dịch vụ đi xe đạp điện và scooter để tham quan.

Đó là sản phẩm thử nghiệm dự án xây dựng một thành phố xanh và thông minh bằng phương tiện di chuyển cá nhân do Gbike (doanh nghiệp Hàn Quốc) hỗ trợ, được triển khai từ tháng 4-2024.

Thời gian đến, dự kiến dự án sẽ tiếp tục thí điểm, bổ sung 280 chiếc GCOO trên địa bàn TP Huế. Trong đó, 20 chiếc ở khu vực Ngọ Môn và 30 chiếc khu vực Ngọ Môn và thượng thành Huế hoạt động khu vực eo Bầu Nam Thắng, Eo Bầu Nam Xương và đường Lê Huân, Đặng Thái Thân và Đoàn Thị Điểm... và các khu vực khác. Ngoài ra, muốn dạo quanh TP Huế bằng xe đạp, hãy đến các điểm cho thuê xe và chỉ cần quét mã QR qua ứng dụng Huesmartbike.

Tại TP Huế có rất nhiều tuyến đường dành cho người đi xe đạp. Trong đó, một nửa vỉa hè tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp... được sơn màu xanh dành cho người đi xe đạp khiến nhiều người thích thú, tỏ ra bất ngờ vì lần đầu tiên nhìn thấy tại Việt Nam.

 Huế hướng đến thành phố xe đạp 第1张

Sử dụng xe đạp trong Đại nội Huế

Đây là một trong số nhiều hạng mục thuộc dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên - Huế - đang được triển khai trên địa bàn.

Để hiện thực hóa về thành phố xe đạp, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chính quyền TP Huế đã triển khai nhiều chương trình, dự án và họp bàn phương án đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện, quản lý vận hành hệ thống xe đạp tại TP Huế.

TP Huế đã vạch ra các loại hình cho mạng lưới đường xe đạp như làn dành riêng cho xe đạp, đường xe đạp đi chung; đường xe đạp cảnh quan, đường ưu tiên cho xe đạp và đi bộ; đường cao tốc xe đạp. Bên cạnh đó, Huế sẽ triển khai các giải pháp cải thiện an toàn giao thông; lắp đặt đèn tín hiệu ưu tiên cho xe đạp tại nút giao; tăng tính nhận diện làn ưu tiên cho xe đạp; bố trí nhà để xe đạp, giá để xe đạp...

Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, cho rằng để hướng đến thành phố xe đạp, quy hoạch mạng lưới đóng vai trò quan trọng. Thực tế hiện nay, cần tạo tuyến đường đạp xe hướng đến các điểm du lịch và bảo đảm độ an toàn của tuyến. Ngoài ra, cũng cần kết nối các tuyến đạp xe đạp dọc hai bên bờ sông Hương và trong khu vực nội thành. Song song với đó có thể hạn chế tốc độ ở một số tuyến đường để bảo đảm an toàn cho người đạp xe và có chiến dịch truyền thông hiệu quả cho xe đạp" - ông Định đề xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, địa phương có chủ trương đầu tư phát triển hạ tầng xe đạp để phục vụ người dân và du khách, đồng thời kỳ vọng phát triển mạnh mẽ xe đạp trong thành phố. Vì vậy, tỉnh ưu tiên các tuyến dọc sông Hương sẽ dành cho xe đạp.

Tại cuộc họp bàn về kế hoạch, phương án triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện, quản lý vận hành hệ thống xe đạp TP Huế, ông Phương đề nghị các đơn vị chức năng phải nghiên cứu nhằm xây dựng hoàn chỉnh từng tuyến đường với mục đích đạp xe an toàn, có tính kết nối cao.