(NLĐO) - Bức trấn phong thời Minh Mạng được làm từ đá đỏ Điền Trì là một kiệt phẩm về nghệ thuật chạm trổ thời Nguyễn. Hơn thế, bức trấn phong còn có 2 bài thơ của Hoàng đế Minh Mạng.

Trong hàng ngàn cổ vật quý giá còn lưu trữ, bảo tồn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, bức trấn phong này nổi bật, cuốn hút mọi ánh nhìn của du khách tham quan, dù kích thước không lớn và màu sắc không hề sặc sỡ, lung linh.

Đó là một cổ vật được chế tác từ đá đỏ đặc biệt quý hiếm của vùng Điền Trì, Vân Nam - Trung Quốc. Con đường đến kinh thành nhà Nguyễn của tảng đá đỏ này chưa thật rõ ràng nhưng có nhà nghiên cứu suy đoán nó là tặng phẩm của triều đình Trung Hoa cho hoàng đế triều Nguyễn hoặc là quà tặng của giới thương nhân hay sứ đoàn ngoại giao khi họ đến Huế đầu thế kỷ XIX.

 "Giải mã" kiệt phẩm chạm trổ đá quý thời Minh Mạng 第1张

Bức trấn phong thời Minh Mạng triển lãm tại điện Long An - tòa nhà chính trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Giới chơi cổ vật vẫn quen gọi cổ vật nêu trên là bức trấn phong thời Minh Mạng, bởi tấm đá quý này được tạc theo hình mặt nguyệt, đường kính 53 cm, ngoài niền khung gỗ, dưới có giá gỗ mun chạm trổ công phu, trông như tấm gương lớn thường được đặt để chắn tà khí trong chốn hoàng cung, phủ đệ phương Đông.

Cổ vật này là một kiệt phẩm về nghệ thuật chạm trổ đá quý. Với những mảng chạm lồi lõm, chi li, tỷ mẫn, cách bố cục không gian đầy sáng tạo, nghệ nhân xưa đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp với đầy đủ đình tạ, lầu các, cầu cống, non bộ, cổ thụ, mây trời, mặt nước, con thuyền, chim muông… Khung cảnh tựa như ở chốn Bồng Lai tiên cảnh, hoặc như trong vườn thượng uyển mơ ước của hoàng cung.

 "Giải mã" kiệt phẩm chạm trổ đá quý thời Minh Mạng 第2张

Mặt sau của bức trấn phong chế tác từ đá đỏ quý.

Ai là tác giả của bức trấn phong thì chưa rõ nhưng dấu ấn của hoàng đế Minh Mạng trên cổ vật này hiển hiện rất rõ ràng. Ở mặt trước, vua Minh Mạng cho khắc một bài thơ thất ngôn bát cú chia thành hai nửa, ẩn hiện ở khoảng không bên dưới bầu trời gợn mây, ghi năm "ngự chế" là 1829. Ở mặt sau, vua Minh Mạng cho khắc một bài minh dài 16 câu, cũng do ông sáng tác năm 1825. Có thể xem nội dung của bài thơ là triết lý sống pha lẫn chút nổi niềm về thế sự, về cuộc đời của vị hoàng đế lừng lẫy danh tiếng của vương triều Nguyễn:

Đỏ xanh nhiều lớp khéo làm thành,

Điền Trì đá quý đáng nêu danh.

Lâu đài kiên cố ngàn năm đó,

Cây cối um tùm tám tiết xanh.

Người có đường đi sao vội gấp,

Thuyền không gió thổi cớ sao nhanh.

Khéo công trau chuốt rồi hư hại,

Vụng về chạm trổ lại còn dành.

(Phan Thanh Hải dịch)

 "Giải mã" kiệt phẩm chạm trổ đá quý thời Minh Mạng 第3张

Bài thơ của vua Minh Mạng khắc lên kiệt phẩm.

Như vậy, dù biết cuộc đời này không có gì là bất biến, kể cả thứ báu vật mà nghệ nhân của mình đã "khéo công trau chuốt" rồi cuối cùng sẽ hư hỏng, tan biến, song nhà vua vẫn không ngại ngần cho chạm trổ công phu để dành cho con cháu đời sau.

Có thể xem cuộc đời của hoàng đế Minh Mạng là sự nỗ lực không mệt mỏi trong công việc và để hoàn thiện bản thân theo triết lý "tu thân, trị quốc" của Nho giáo. Ở bài minh khắc sau bức tranh đá đỏ này, ông đã viết:

"Hoàng Đế sáng văn,

Vở sách trên kỷ.

Mở màn giảng giải,

Xét xem hết lý.

Sách đỏ hòm xanh,

Giở đọc không nghỉ.

Nguồn đạo Thánh nhân,

Trong tay dễ chỉ…".

(Phan Thanh Hải dịch)

 "Giải mã" kiệt phẩm chạm trổ đá quý thời Minh Mạng 第4张

Điện Long An - tòa nhà trưng bày chính của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Ngày nay, xem lại số lượng văn bản khổng lồ mà vua Minh Mạng từng xem xét và "châu phê" trong 20 năm làm vua, nhiều người không khỏi sửng sốt và khâm phục khả năng làm việc của ông. Vị hoàng đế này là tác giả của hàng trăm bài thơ và những áng văn xuất sắc mà một phần trong số đó đã được chạm khắc trên cung điện, đền miếu và trên các cổ vật, làm của báu cho con cháu đời sau.

Hơn 180 năm trôi qua với bao dâu bể cuộc đời, hàng vạn cổ vật quý hiếm của Việt Nam cũng đã bị tiêu hủy, thất tán. Nhưng thật may mắn, kiệt phẩm bằng đá đỏ Điền Trì mang hình bức trấn phong thời Minh Mạng vẫn còn ở lại với cố đô Huế. Nó đã khiến bao du khách phải dừng chân, trầm trồ thán phục. Dù có xuýt xoa tiếc nuối khi biết bao báu vật khác của Huế đã không còn, nhưng họ vẫn cảm thấy hài lòng vì đã đến Huế để được tận mắt ngắm nhìn kiệt tác này.