Mức trần học phí đại học năm học 2024-2025 sẽ được điều chỉnh tăng so với năm học 2023-2024. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa thông tin về công tác chuẩn bị năm học mới 2024-2025 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Học phí tăng theo lộ trình

Liên quan vấn đề nóng là thu - chi đầu năm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định về mức thu học phí, quản lý học phí, hướng dẫn thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Đối với học phí của cơ sở giáo dục nước ngoài và giáo dục đại học công lập, mức trần năm học 2024-2025 sẽ điều chỉnh tăng so với năm học 2023-2024. Bởi lẽ, lộ trình học phí đã lùi lại quá dài, các cơ sở giáo dục đại học đang gặp nhiều khó khăn trong cân đối thu - chi.

Bộ GD-ĐT khẳng định việc tăng học phí này là theo lộ trình, đã được điều chỉnh theo tình hình thực tiễn, xin ý kiến các địa phương, bộ, ngành; được đánh giá kỹ lưỡng tác động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước hằng năm. Việc tăng học phí nhằm thực hiện tự chủ đại học và lộ trình tính giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục.

Để hướng dẫn các khoản thu và chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý thu - chi tại cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT vừa có Công văn 2179 gửi các bộ, cơ quan trung ương có cơ sở giáo dục trực thuộc, UBND các tỉnh, thành. Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các khoản thu trong năm học 2024-2025; phổ biến, tuyên truyền cho cha mẹ học sinh (HS), ban đại diện cha mẹ HS và giáo viên (GV) hiểu rõ quy định, từ đó thực hiện quyên góp, ủng hộ trên cơ sở tự nguyện, công khai, minh bạch, theo đúng quy định.

Sớm ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT

2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Số lượng môn thi và định dạng cấu trúc đề thi sẽ có sự thay đổi lớn theo hướng đánh giá năng lực.

 Chấn chỉnh thu - chi trong năm học mới 第1张

Học sinh TP Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ năm 2025, kỳ thi này sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh: HỮU HƯNG

Theo đó, thí sinh sẽ thi bắt buộc 2 môn ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 - gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Trong đó, môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi được tổ chức trên cả nước theo cách thức chung đề, chung đợt, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Thông tin về công tác chuẩn bị đề thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết thư viện/ngân hàng câu hỏi thi có tính mở đã được Bộ GD-ĐT xây dựng. Các câu hỏi được đóng góp từ mọi nguồn lực trong ngành, tạo ra thư viện mở.

Từ thư viện mở này, Bộ GD-ĐT mời các chuyên gia lựa chọn để tạo đề thi. Đề thi sẽ được thử nghiệm trên diện rộng tại các địa phương. Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và công bố đề thi minh họa để các địa phương, GV và HS chuẩn bị ôn tập.

Về sách giáo khoa (SGK), đến ngày 9-8, NXB Giáo dục Việt Nam đã in và nhập kho SGK các lớp đạt 95% kế hoạch, tương ứng 165 triệu bản; phát hành đạt 94% kế hoạch, tương ứng 164 triệu bản. Dự kiến đến ngày 15-8, SGK sẽ được cung ứng tới các địa phương, bảo đảm HS có đủ sách trước khi năm học mới bắt đầu.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã thực hiện việc giảm giá SGK. Giá bìa mới của SGK tái bản các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 của NXB Giáo dục Việt Nam áp dụng từ năm học 2024-2025 được điều chỉnh giảm so với các năm trước. Đối với SGK các lớp 5, 9, 12 xuất bản lần đầu từ năm học 2024-2025, khung giá đã được xây dựng và hoàn thành kê khai theo cơ cấu giá đã giảm ở SGK tái bản các lớp khác. 

Tăng quyền tuyển dụng giáo viên cho cơ sở

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2024-2025, số HS tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng (mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, phổ thông tăng 7.150 lớp) khiến tình trạng thiếu GV tiếp tục diễn ra.

Để khắc phục, Bộ GD-ĐT sẽ cùng các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, tôn vinh nhà giáo. Bên cạnh đó, tăng cường tuyển dụng số lượng biên chế GV đã được cấp; thực hiện phân cấp quản lý hợp lý, tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ GV hiệu quả, bền vững, chất lượng...