Thực tế hiện nay, nhiều chương trình nhà trường mới chỉ lấp đầy khoảng thời gian học sinh ở trường, còn hiệu quả như thế nào thì còn bỏ ngỏ
Theo các chuyên gia, bất cứ nội dung nào khi triển khai trong trường học cũng cần quá trình giới thiệu về cách thức thực hiện, đánh giá tổng kết tính hiệu quả...
Học sinh thêm quá tải
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 12, TP HCM cho biết khi triển khai chương trình nhà trường, trường này làm rất kỹ nhưng vẫn bị phụ huynh học sinh (HS) "tỏ thái độ nặng nhẹ".
Theo hiệu trưởng trên, chương trình nhà trường là các nội dung đăng ký tự nguyện của phụ huynh cho con em mình tham gia trong trường. Cách dễ nhất là đưa danh sách để phụ huynh đăng ký, ai không đồng ý thì thôi. Làm sao để nội dung chương trình hấp dẫn, thu hút HS, khiến các em tự tìm đến thì đó là cách làm của mỗi trường.
Hằng năm, trường này đều khảo sát ý kiến HS trên cơ sở các nội dung, kế hoạch chương trình đã xây dựng từ trước, từ đó điều chỉnh, thêm bớt sao cho hiệu quả và thiết thực. Khi thực hiện chương trình, đã "triệu tập" được HS đến trường thì phải tổ chức làm sao đến nơi đến chốn, hiệu quả và thiết thực nhất.
Nhiều trường THPT thực hiện hình thức đồng giảng
Thế nên, khi bắt đầu xây dựng chương trình thì hiệu trưởng phải nắm rõ để triển khai, có biện pháp thực hiện và quản lý sao cho chất lượng, hiệu quả. "Một trong những cách tốt nhất mà trường thực hiện là cùng đội ngũ thầy cô phối hợp triển khai thực hiện, chứ không khoán trắng cho đơn vị nào" - hiệu trưởng nêu trên cho biết.
Giáo viên (GV) một trường THCS tại quận 1, TP HCM nêu thực tế rất nhiều phụ huynh than phiền con em họ không còn thời gian nghỉ ngơi bởi từ 7 giờ đến 16 giờ 30 phút phải ở trường. Lịch học đã đặc kín các môn chính khóa, nội dung ngoài giờ chính khóa, buổi tối các em còn làm bài tập về nhà, đi học thêm…
Từ chuyện học cả ngày ở trường, theo GV này, HS dù muốn hay không đều buộc phải ở bán trú để tiện học buổi chiều. Việc này kéo theo chuyện ăn, ngủ bán trú, nếu không bảo đảm thì sức khỏe HS cũng hao mòn, chưa kể đến chuyện giám sát từng khâu khi triển khai.
"Có trường hợp một GV tiếng Anh người nước ngoài có những hành vi không chuẩn mực với HS nhưng không ai giám sát, xử lý. Từng có ý kiến phản hồi rằng chương trình nhà trường hiện nay mới chỉ làm tròn vai trò lấp đầy khoảng thời gian HS ở trường, "khớp" với thời gian của phụ huynh, còn đối tượng thụ hưởng là HS thì lại bị bỏ qua" - GV này băn khoăn.
Không rõ nội dung, thời lượng
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, để xây dựng và thực hiện chương trình nhà trường, hiệu trưởng cần tiến hành các bước: Phân tích nhu cầu, xác định mục đích và mục tiêu, thiết kế chương trình, thông qua hội đồng trường phê duyệt, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả vào cuối mỗi năm học.
Khi thực hiện chương trình nhà trường, cơ sở giáo dục cần quan tâm tính hiệu quả để nhận được sự đồng thuận và phối hợp từ phụ huynh, HS. Hiệu trưởng giao các tổ, nhóm và cá nhân phụ trách xây dựng khung nội dung giáo dục, kế hoạch bài dạy với mục tiêu, yêu cầu cần đạt được… Khi tổ chức lấy ý kiến đồng thuận, phải bảo đảm nhận được sự tự nguyện tham gia của HS, không lấy ý kiến đại diện các em…
Theo tìm hiểu của phóng viên, đa số nội dung của chương trình nhà trường hiện nay tại các cơ sở giáo dục đều giữ nguyên so với các năm trước. Điều này về mặt tích cực là có tính kế thừa, song không phải phụ huynh nào cũng mặn mà cho con em họ tham gia, bởi các trường bỏ qua khâu phân tích nhu cầu trước khi thực hiện.
Một phụ huynh có con học lớp 6 tại quận 7, TP HCM cho biết chỉ GV chủ nhiệm công bố các khoản thu; hoàn toàn không hề giới thiệu gì về các chương trình nhà trường, nội dung ra sao... "Ít nhất với những HS đầu cấp, nội dung chương trình ra sao cần phải được thông tin đầy đủ. Nhiều gia đình đặt bút đăng ký cho con nhưng thực tế không biết nội dung, thời lượng học bao nhiêu" - phụ huynh này lo ngại.
Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc, cho rằng một số nội dung chương trình nhà trường hiện nay mơ hồ về mục đích. Có thể thấy đa số các trường đều thực hiện các nội dung như dạy kỹ năng sống, tiếng Anh, tin học… Nếu thước đo là tính hiệu quả thì sẽ không có chuyện HS vừa rời trường học đã phải tìm đến các lớp học thêm bên ngoài. Dù HS đi học thêm là có mục tiêu riêng nhưng các nhà quản lý cần xem xét lại chương trình nào thật sự cần thiết, nội dung nào nên bỏ bớt, tránh quá tải cho các em.
"Nhiều quốc gia trên thế giới không hề có môn kỹ năng sống, không có môn nào gọi là hoạt động trải nghiệm. Tất cả khái niệm này có ở tất cả môn học, GV có trách nhiệm hướng dẫn, bồi dưỡng cho HS. Những chuyên đề mang tính đặc thù mới cần đến đơn vị chuyên trách" - ông Thảo nhấn mạnh.
Công khai, tự nguyện lựa chọn nội dung
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục trung học, TS Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, lưu ý vào đầu năm học, việc tổ chức các hoạt động lựa chọn, bổ sung chương trình nhà trường phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, dân chủ và tự nguyện.
Theo ông Hiếu, Sở GD-ĐT TP HCM đã có văn bản hướng dẫn tất cả hoạt động bổ sung theo chương trình nhà trường phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, có thể xếp lớp lại. "Các trường tuyệt đối không để xảy ra tình trạng HS phải tham gia tiết học với GV nước ngoài khi mà gia đình không hề mong muốn. Nếu để xảy ra tình trạng này, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm" - Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM nhấn mạnh.
Đăng thảo luận