Chiều 23/9, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ ‘đại án’ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, HĐXX đã tiến hành xét hỏi bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) để làm rõ có hay không hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cùng bị truy tố tội danh này, ngoài bà Trương Mỹ Lan còn có 28 bị cáo khác liên quan trong vụ án.
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu
Trả lời HĐXX, bà Trương Mỹ Lan khẳng định, bà nghe rõ các lời khai của 28 bị cáo cùng bị cáo buộc phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tôn trọng, không có ý kiến gì về các lời khai này. Theo bà Lan, cả 28 bị cáo trên đều là người làm công ăn lương và thực sự họ làm việc vì muốn cứu Ngân hàng SCB.
Bị cáo Trương Mỹ Lan khai về nguồn gốc hình thành 2 công ty do bà làm chủ. Theo đó, bà Lan có 2 công ty, gồm: Công ty Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty đầu tư Vạn Thịnh Phát. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Lan làm Chủ tịch HĐQT đến nay đã 35 năm. Bà Lan sở hữu 60%, hai người con gái của bà mỗi người sở hữu 10% vốn. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyên về bất động sản, du lịch, nhà hàng…, không có ngành nghề nào liên quan đến tài chính, ngân hàng. Bà cũng khẳng định chưa ai lấy pháp nhân của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để tham gia vào Ngân hàng SCB.
Một góc phòng xử án chiều 23/9. Ảnh: Tân Châu
Đối với Công ty đầu tư Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan khai thành lập vào năm 2007 để làm các dự án lớn và do chuyên về đầu tư nên tên công ty có chữ "đầu tư". Theo bà Lan, chính vì đầu tư các dự án lớn mà Vạn Thịnh Phát bị... nhiều người ghét. Công ty đầu tư Vạn Thịnh Phát do Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) làm tổng giám đốc.
Bà Lan một mực cho rằng, từ lúc thành lập đến nay, cả 2 công ty của bà "chưa ai đại diện tham gia gì ở Ngân hàng SCB".
Chủ tọa: Bị cáo đề ra chủ trương phát hành trái phiếu với cá nhân nào, với ai ở Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ?
Bị cáo Trương Mỹ Lan: Thưa tòa, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu phát hành trái phiếu vì không liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Bà Lan trình bày thêm: Tuy nhiên, do Chủ tịch Ngân hàng SCB là Nguyễn Phương Hồng đề xuất bị cáo cho mượn các công ty tốt để phát hành trái phiếu nhằm cứu Ngân hàng SCB vì ngân hàng này đang gặp khó khăn.
Về cuộc gặp và mời cơm các nhân vật chủ chốt tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan khai, rằng ban đầu cuộc gặp là để bàn bạc việc niêm yết Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tại cuộc gặp này, bà Lan được đề xuất cho mượn các công ty để phát hành trái phiếu.
"Bị cáo băn khoăn, liệu cho mượn các công ty như vậy có an toàn không thì những người có mặt trấn an, nói an toàn nên bị cáo mới mang tài sản cho mượn", bà Lan khai.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng trả lời HĐXX về việc phát hành trái phiếu An Đông thu về 25.000 tỷ đồng nhưng không sử dụng. Bà Lan nói chỉ để cho tài chính của Ngân hàng SCB sử dụng vì Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu. Và, nếu có nhu cầu thì tập đoàn sẽ tự phát hành, con số thu về còn có thể nhiều hơn.
Với trái phiếu khác, bà Lan khai ban đầu không biết. Sau khi bị bắt tạm giam, bà Lan được cơ quan điều tra cho xem thì mới biết.
“Bị cáo không sử dụng. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng không sử dụng. Tất cả là dùng cho tài chính của Ngân hàng SCB”, bà Trương Mỹ Lan khẳng định.
‘Chốt’ lời khai về phát hành trái phiếu, bị cáo Trương Mỹ Lan nói chỉ cho mượn công ty. Việc phát hành trái phiếu như thế nào là do những người khác làm, bị cáo Lan không giao cho ai phát hành trái phiếu, không biết số lượng phát hành bao nhiêu...
Khi được hỏi có phương án nào giải quyết với các trái chủ, bị cáo Trương Mỹ Lan nói muốn dùng số tiền 21.000 tỷ đồng thu hồi của giai đoạn 1 và 17.000 tỷ đồng của giai đoạn 2.
Bị cáo Lan đề nghị HĐXX yêu cầu Ngân hàng SCB trả lại tài sản cho mình. Bị cáo này cũng bày tỏ mong muốn lấy lại bớt tài sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả cho các trái chủ.
Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan cũng trình bày trước HĐXX một số phương án khác nhằm khắc phục hậu quả.
Bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu.
Về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Viện Kiểm sát xác định: Với tư cách Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan là người chi phối, điều hành, chỉ đạo, quyết định mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bà Lan là người đưa ra chủ trương và chỉ đạo phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bà Trương Mỹ Lan đã chủ trì họp bàn với các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Công ty TVSI là Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Phương Hồng, Nguyễn Tiến Thành, Hồ Bửu Phương, quyết định sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu, chạy dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho số trái phiếu phát hành, sau đó thông qua công ty chứng khoán bán trái phiếu cho hàng ngàn người dân (nhà đầu tư) thu tiền về sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, không đúng với mục đích phát hành trái phiếu.
Tính đến ngày 7/10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền 30.000 tỷ đồng của 35.824 bị hại.
Bà Lan ngoài tội danh này còn bị xét xử 2 tội danh khác là rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với con số khủng là 4,5 tỷ USD.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan đã bị HĐXX TAND TPHCM tuyên tử hình chung cho các tội: "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Tham ô tài sản" và "Đưa hối lộ". Bà Lan đã có kháng cáo và TAND cấp cao tại TPHCM đang thụ lý theo trình tự phúc thẩm.
[CLIP] Cảnh sát dẫn giải bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm tới tòa 19/09/2024 Ngày mai, bà Trương Mỹ Lan tiếp tục hầu tòa 18/09/2024 Thông tin mới vụ án Trương Mỹ Lan 12/09/2024Pháp luật
CSGT truy đuổi xe vi phạm, rút súng cảnh cáo như phim
Pháp luật
Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải và thuộc cấp từng 'dính' án hình sự
Pháp luật
Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục nhận 'lại quả' 25 tỷ đồng từ gói thầu nghìn tỷ
Pháp luật
Mua bán 4 con tê tê bị tuyên phạt 1 tỷ đồng
Pháp luật
Đăng thảo luận